Hội thảo đã công bố báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, Bối cảnh và chính sách” do ba cơ quan nói trên thực hiện.
Báo cáo nghiên cứu được trình bày tại hội thảo đã nêu bật tiềm năng và vai trò quan trọng của mô hình DNXH trong việc giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững, góp phần đạt được sự phát triển kinh tế ổn định trong một nền kinh tế đang phát triển mạnh như Việt Nam.
Các thảo luận tại hội thảo đã thể hiện sự đồng thuận trong việc tăng cường hỗ trợ sự phát triển của mô hình DNXH bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế và xã hội truyền thống.
Hiện nay, hiểu biết về DNXH ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển và nhân rộng các mô hình thành công. Ngoài ra DNXH chưa được công nhận chính thức từ phía nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn...
Tuy nhiên, cơ hội và tính cần thiết phải phát triển DNXH như một mô hình kinh tế bền vững nhằm giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề xã hội và môi trường ngày một trở nên bức thiết.
Báo cáo chỉ rõ đã đến lúc Chính phủ cần coi các DNXH như những đối tác quan trọng trong việc hợp tác thực hiện các mục tiêu xã hội và đồng thời hỗ trợ DNXH phát triển bằng việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khung khổ pháp lý, chính thức công nhận, và đề ra các chính sách cụ thể khuyến khích sự phát triển của mô hình này.
Ông Đặng Huy Đông, thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo: "Với tư cách đại diện cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi sẵn sàng cổ vũ cho các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thúc đẩy phong trào DNXH và tinh thần doanh nhân xã hội phát triển mạnh hơn nữa ở Việt Nam."
Ông Robin Rickard, giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: “Ba năm qua đã chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, là một lĩnh vực mới, doanh nghiệp xã hội rất cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình tạo ra những ảnh hưởng tích cực, sâu rộng lên nền kinh tế và xã hội Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, bộ nghành của chính phủ, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp xã hội, các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác có liên quan khác, nhằm vận động cho việc hình thành một môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xã hội phát triển trong một xã hội mà các thành quả hoạt động của họ được nhìn nhận và đánh giá cao”.
Trong 20 năm gần đây, mô hình DNXH ngày càng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phát triển trên thế giới.
DNXH, cũng như các doanh nghiệp bình thường, tổ chức các hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên khác với các doanh nghiệp thông thường, DNXH được hình thành với mục đích tối thượng là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, chứ không nhằm tối đa hoá lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư. Hay nói cách khác, DNXH có thể có lợi nhuận, thậm chí cần lợi nhuận để phục vụ mục tiêu xã hội, nhưng không ‘vì- lợi nhuận’ mà ‘vì- xã hội’. |