Cân nhắc lập cơ quan độc lập chống tham nhũng

TP - Cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng ý tưởng thành lập cơ quan độc lập chống tham nhũng. Nếu không, sẽ tạo ra xung đột, chồng chéo, không phù hợp pháp luật hiện hành.

Trao đổi với Tiền Phong về đề xuất thành lập cơ quan độc lập chống tham nhũng được đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận về tình hình tham nhũng, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho rằng, đây là một ý tưởng cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Nếu không, sẽ tạo ra xung đột, chồng chéo, không phù hợp pháp luật hiện hành.

Công khai, minh bạch để chống tham nhũng vặt

Sau khi Đại biểu Quốc hội có ý kiến băn khoăn không biết bao giờ mới phản công được tham nhũng thì tại cuộc họp báo mới đây, Thanh tra Chính phủ khẳng định, đến năm 2020 mới đẩy lùi và phản công tham nhũng. Là người chuyên theo dõi về công tác phòng chống tham nhũng, ông nghĩ sao về vấn đề trên?

Đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ vừa cấp bách nhưng có tính chất lâu dài. Bởi tham nhũng chính là căn bệnh cố hữu của quyền lực, là khuyết tật của quyền lực nên không thể ngày một, ngày hai chúng ta có thể đẩy lùi, chống được ngay. Việc Đại biểu Quốc hội nói “bao giờ mới phản công tham nhũng” chỉ là hình ảnh. Còn nói đến năm 2020, đấy là do các cơ quan chức năng ước đoán, đến thời điểm đó, do pháp luật đã được hoàn thiện, cộng với quyết tâm cao thì tham nhũng sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi. Công việc này cần phải có thời gian và thực hiện một cách kiên trì, quyết tâm.

Cân nhắc lập cơ quan độc lập chống tham nhũng ảnh 1 Theo ông Phạm Anh Tuấn, trong vụ Giang Kim Đạt (ảnh nhỏ, vụ án Vinashin), nếu sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản thì việc thu hồi sẽ thuận tiện hơn.

Sốt ruột trước tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi,  có ý kiến đề nghị cần phải thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập. Quan điểm của ông ra sao?

Đây  là một ý tưởng cần phải nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng. Nếu thành lập, cơ quan chống tham nhũng độc lập sẽ có chức năng tương thích với các cơ quan điều tra, tố tụng. Chúng ta không tính toán kỹ dễ tạo ra xung đột, chồng chéo, không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng tham nhũng vặt như hối lộ, chạy chọt diễn ra khá phổ biến. Được biết, tại phiên họp thứ 7 Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư đã giao Ban Nội chính nghiên cứu các giải pháp, khắc phục tham nhũng vặt. Việc này đã được thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

Tham nhũng vặt hiện nay chủ yếu xảy ra trong các cơ quan công quyền, nhân viên có chức vụ quyền hạn với người dân và doanh nghiệp. Đây là câu chuyện xảy ra thường nhật, thường ngày trên tất cả các lĩnh vực, từ xin giấy phép, xin giấy khai sinh, sao bằng, nhập học, xử phạt vi phạm giao thông… Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng vặt do hệ thống thủ tục hành chính chưa công khai minh bạch, còn kẽ hở để người ta lợi dụng. Nếu chúng ta đẩy nhanh việc công khai hóa, cải cách thủ tục hành chính thì cơ hội sách nhiễu của các đối tượng tham nhũng chắc chắn sẽ giảm bớt. Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính nên tham nhũng vặt tới đây sẽ giảm. Như Trung Quốc người ta thực hiện là “nhốt quyền lực trong cái lồng chế độ”, lồng là trong suốt, tất cả mọi người đều nhìn thấy để kiểm soát, chứ để quyền lực không nhìn thấy, không kiểm soát được thì rất dễ dẫn đến sách nhiễu.

Cân nhắc lập cơ quan độc lập chống tham nhũng ảnh 2

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư  Phạm Anh Tuấn.

Cho thoát án tử nếu khắc phục được hậu quả

Dù chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng đến nay tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) đạt được vẫn rất thấp. Nên khi thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hình sự có ý kiến cho rằng nếu đối tượng tham nhũng khắc phục được cơ bản hậu quả thì sẽ được giảm án, thậm chí thoát án tử. Ông nghĩ sao về những đề xuất trên?

Muốn thu hồi được TSTN thì phải tạo ra cơ chế để khuyến khích người tham nhũng nộp lại tài sản. Ví dụ có thể coi đó là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử; cá biệt có thể coi đó là tình tiết để xem xét khoan hồng. Tất nhiên đó phải là những trường hợp phạm tội không quá nghiêm trọng. Việc khoan hồng như thế sẽ kích thích những người khác nhìn vào tấm gương đó để rồi nếu đã trót tham nhũng rồi thì hãy nộp lại tài sản để được khoan hồng, giảm nhẹ tội.

“Ngay khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì phải lập tức áp dụng các biện pháp bảo đảm thu hồi như kê biên tài sản, phong tỏa tài sản, tài khoản. Đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc biệt mang tính chất nghiệp vụ để đối tượng không có cơ hội tẩu tán. Như vụ Giang Kim Đạt trong vụ án Vinashin, chúng ta chủ động ngay từ đầu thì sau này việc thu hồi tài sản chắc chắn sẽ thuận tiện hơn”.

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư  Phạm Anh Tuấn

Tuy nhiên, đó chỉ là tình tiết để khoan hồng chứ không phải là biện pháp dùng tiền thay thế cho hình phạt hình sự. Nếu chúng ta cho phép thay thế thì sẽ không phù hợp. Khi đó người ta sẽ sẵn sàng tham nhũng vặt ngay, nếu bị phát hiện thì trả lại để khỏi phải ngồi tù, còn không bị phát hiện thì thôi. Hơn nữa quy định như thế sẽ dẫn đến tình trạng: đồng tiền đứng trên pháp luật, cứ có tiền là thoát tội. Cuối cùng pháp luật chỉ có ý nghĩa đối với những người phạm tội mà đã lỡ tiêu hết, không còn tiền để nộp lại. Do đó theo tôi, việc nộp lại TSTN chỉ là yếu tố xem xét giảm nhẹ chứ không thể thay thế được hình phạt.

Tương tự đối với hình phạt tử hình, nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng bản chất là tội phạm kinh tế, cắc cớ gì phải tử hình, để người ta sống có khi lại khắc phục được hậu quả. Nhưng hiện nay chúng ta đang cần sức mạnh để làm sao người ta không còn dám tham nhũng. Chúng ta cần phải có hình phạt nghiêm khắc để răn đe các đối tượng không dám tham nhũng nữa nên chưa thể bỏ được. Tuy nhiên, tôi đồng tình với đề xuất giảm từ tử hình xuống chung thân, không giảm án cho những trường hợp khắc phục được cơ bản hậu quả. Đây là xu hướng tích cực. Chúng ta đang trong quá trình hội nhập, luật pháp Việt Nam không thể cứ riêng, cứ đặc thù mãi được. Chúng ta cần phải tiệm cận dần với nền tư pháp tiến bộ của thế giới. Chuyển từ tử hình xuống chung thân không giảm án là giải pháp phù hợp.

Ngoài việc giảm án, theo ông, cần có những giải pháp nào để việc thu hồi lại tài sản hiệu quả?

Trước đây, do chúng ta quá tập trung vào việc chứng minh tội phạm nên không chú ý đến việc khắc phục hậu quả, tức là tài sản bị chiếm đoạt. Có những vụ tuyên nộp hàng trăm tỷ nhưng đến giờ chưa thu được một đồng nào. Tuyên thì cứ tuyên nhưng thực tế không có khả năng thu hồi vì đối tượng đã chuyển hóa hết.

Vì thế, muốn thu hồi được TSTN hiệu quả thì không nên bị động chạy theo nữa. Đừng chờ đến khi nào bản án có hiệu lực pháp luật, lúc đó mới nghĩ đến chuyện thu hồi TSTN. Trái lại, ngay khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì phải lập tức áp dụng các biện pháp bảo đảm thu hồi như kê biên tài sản, phong tỏa tài sản, tài khoản. Đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc biệt mang tính chất nghiệp vụ để đối tượng không có cơ hội tẩu tán. Như vụ Giang Kim Đạt trong vụ án Vinashin, chúng ta chủ động ngay từ đầu thì sau này việc thu hồi tài sản chắc chắn sẽ thuận tiện hơn.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG