Chống tham nhũng: Cần Ủy ban độc lập

Vụ án tại Vinashin đã gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vụ án tại Vinashin đã gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) được xem là chưa hiệu quả, tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực... Chống tham nhũng chỉ mới đang “cầm cự”. Để chống tham nhũng hiệu quả cần một ủy ban độc lập.

Đây chính là băn khoăn của cử tri và người dân, được đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) nêu ra khi thảo luận về công tác PCTN chiều 28/10.

Tham nhũng vẫn nghiêm trọng

Báo cáo QH, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, trong năm 2015 đã phát hiện khởi tố trên 1.400 vụ phạm tội về kinh tế, 202 vụ phạm tội tham nhũng (giảm 33%). 

Hành vi phạm tội chủ yếu là lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về kinh tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô, chiếm đoạt tài sản... gây thất thu ngân sách nhà nước. 

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do việc quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở, sự xuống cấp về đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ đáng báo động.

“Cây có lõi tốt thì không sợ mối mọt. Lịch sử nước ta đã chỉ rõ, vua có đường lối đúng, quan không tham, tướng không hèn, lòng dân yên thì đất nước hưng thịnh và không sợ bất kỳ một thế lực ngoại xâm nào” 

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Cũng tại diễn đàn QH, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đánh giá, nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn nhiều, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp, tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Theo ông Huỳnh Phong Tranh, tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền, đặc biệt đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính chất lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.

Báo cáo thẩm tra về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng còn hạn chế, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp, chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu.

 Một điều đáng bàn khác là việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đều giảm, trong khi đó tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. 

“Đây là vấn đề cần nghiêm khắc đánh giá hiệu quả PCTN của các cơ quan nhất là cơ quan chuyên trách về PCTN”, ông Hiện đề nghị.

Năm 2018 sẽ phản công tham nhũng (?)

Nhắc lại tham nhũng được coi là thứ giặc nội xâm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ lo ngại khi thực trạng tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. “Hầu hết mọi lĩnh vực đều có tham nhũng. Người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập. 

Tham nhũng chính sách cho hộ nghèo, chế độ chính sách với người có công, tham nhũng vặt, hối lộ công diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Hối lộ xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. 

Công chức tạo ra những thủ tục mà người ta gọi là lệ phí bôi trơn”, ĐB Phương nêu thực trạng. Đồng thời, ông Phương đề nghị xử lý rõ trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị mình.

“Có loại tội phạm giảm thì được nhân dân biểu dương đồng tình. Nhưng số vụ tội phạm tham nhũng giảm trong khi tham nhũng đang còn nghiêm trọng là lỗi của các cơ quan PCTN”, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ rõ. ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cho biết khi tiếp xúc cử tri, ĐBQH phải trả lời cử tri về kết quả PCTN.

“Nếu cử tri hỏi, tôi sẽ trả lời rằng, trong 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng chúng ta đang trụ vững và đang trong giai đoạn cầm cự phòng ngự. Được như thế là tốt rồi. Vậy bao giờ sẽ phản công?... Tôi đồ rằng, từ năm 2018, khi Luật PCTN sửa đổi có hiệu lực, chúng ta sẽ bắt đầu phản công tham nhũng”, ĐB Nhã nhìn nhận.

Lập ủy ban chống tham nhũng

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị thành lập một Ủy ban điều tra về tham nhũng. “Ủy ban này có đầy đủ quyền lực, nhiệm vụ chỉ để bắt cán bộ to thôi, còn mấy ông nhỏ thì để công an làm. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề tham nhũng”, ĐB Thuyền nhấn mạnh.

Trước thực trạng tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị phải đánh giá thật nghiêm khắc, khách quan vấn đề này. Nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu, ông Quyền nêu trong nhiều năm qua, rất ít cơ quan tự phát hiện hành vi tham nhũng nhưng trách nhiệm của người đứng đầu lại không rõ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị phải xử lý triệt để trách nhiệm người đứng đầu. “Người lãnh đạo phải gần gũi, lắng nghe trung thần, xa lánh, cảnh giác trước nịnh thần, nghiêm trị gian thần. Nhưng thực tế có hiện tượng ngược lại: Lãnh đạo xa lánh và nghiêm trị trung thần, lắng nghe trọng dụng nịnh thần, thậm chí là gần gũi gian thần”, ĐB Nghĩa bình luận.

MỚI - NÓNG