ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi gây bức xúc trong xã hội, chỉ xuất hiện ở người có chức quyền, lợi ích nhóm. Tham nhũng làm cho chính trị suy yếu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: Tham nhũng là giặc nội xâm. Theo đánh giá của ĐB Phương,
“Hầu hết mọi lĩnh vực đều có tham nhũng, người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập, tham nhũng chính sách cho hộ nghèo, chế độ chính sách với người có công. Tham nhũng vặt và hối lộ công diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Hối lộ xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Công chức tạo ra những thủ tục mà người ta gọi là lệ phí bôi trơn", ĐB Phương nhìn nhận.
ĐB Phương cũng tỏ ra băn khoăn khi loại hình tham nhũng tinh vi nhất mà lâu nay ít đề cập, đó chính là tham nhũng chính sách, chạy chọt để đưa chính sách hưởng lợi ích nhóm cá nhân. Trong khi đó xử lý tham nhũng lại nhẹ, sợ rút dây động rừng, còn tình trạng người đứng đầu bao che cho cấp dưới.
“Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị mình. Quốc hội cần đẩy mạnh chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu mua sắm đầu tư công, nhất là điều động khen thưởng cán bộ, đồng thời làm sạch bộ máy công quyền kiểm toán, thanh tra”, ĐB Phương đề nghị.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, việc phát hiện xử lý tham nhũng chưa tương ứng với tình hình và mong đợi dư luận xã hội, việc xử lý tham nhũng rất chậm. Mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra hơn 900 tỷ đồng, gần 10.000 m2 đất nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 55%. Tài sản tham nhũng thu hồi thấp, khiến cử tri cho rằng, đó chính là tình trạng "hy sinh đời bố củng cố đời con".
"Có loại tội phạm giảm thì được nhân dân biểu dương đồng tình. Nhưng tội phạm tham nhũng giảm trong khi tham nhũng đang còn nghiêm trọng là lỗi của các cơ quan phòng chống tham nhũng. Đây là điều có lỗi với nhân dân, với cử tri”, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ rõ.
Trước thực trạng cử tri đánh giá tham nhũng chưa có chuyển biến, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị phải đánh giá lại vấn đề này. Đồng thời, ĐB Nam đề nghị tăng cường cơ quan phòng chống tham nhũng, như vậy mới đạt được kết quả.
ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) cho rằng, cử tri và nhân dân rất quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH sẽ phải trả lời cử tri về vấn đề này. Vậy sẽ phải trả lời cử tri thế nào? ĐB Nhã nêu: “Tôi sẽ trả lời trong 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng chúng ta đang trụ vững. Như thế là tốt rồi”.
ĐB Nhã tiếp tục đặt câu hỏi: nếu cử tri hỏi, vậy bao giờ chúng ta sẽ phản công thì sao? Không thể cứ giằng co mãi được?
Theo ĐB Nhã, phải dựa vào Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi trong thời gian tới, và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018. “Tôi đồ rằng năm 2018 chúng ta sẽ bắt đầu phản công tham nhũng. Tôi thấy câu trả lời với cử tri như thế là chấp nhận được”, ĐB Nhã chia sẻ.