Xuất hiện tình trạng tham nhũng “lợi ích nhóm”

Theo báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, tình trạng hối lộ, đòi lót tay vẫn phức tạp. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, tình trạng hối lộ, đòi lót tay vẫn phức tạp. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thanh tra Chính phủ cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đặc biệt đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.

“Hối lộ, lót tay, chạy chọt” còn nhiều

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng  (PCTN) năm 2015, theo Thanh tra Chính phủ, có 23 người đã nộp lại quà tặng với số tiền 489 triệu đồng. Kết quả này cho thấy việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng có tăng hơn những năm trước nhưng vẫn còn hình thức, trong khi tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến.

Về phát hiện và xử lý tham nhũng, qua thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 40,7 tỷ đồng. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất. Số tài sản đã thu hồi trên 505 tỷ đồng cùng 2.887 m2 đất (chỉ đạt 29,2%). Thanh tra Chính phủ cho rằng, nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Công tác PCTN ở một số địa phương chưa chuyển biến tốt, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hơn.

Mặc dù kết quả PCTN đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định, tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.

Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Tham nhũng khu vực công nghiêm trọng

Quá trình thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, được đưa ra xét xử nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, trong năm 2015 công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm, trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, vấn đề này cần nghiêm khắc đánh giá hiệu quả PCTN của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về PCTN. Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ khi đánh giá rằng, tham nhũng vẫn “diễn ra phức tạp”, “tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với cơ quan công quyền”. Đơn vị thẩm tra nhấn mạnh, tình trạng này diễn ra nhiều nhất trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ và đầu tư công...

Hiện mới chỉ có 19 bộ, ngành địa phương thực hiện xong việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015, điều này đã làm ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện trong đánh giá tình hình tham nhũng. Trước thực trạng đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chấn chỉnh kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.