> Tiếp thu ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi
Đặc điểm của Nhà nước pháp quyền là của dân, do dân và vì dân. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo nói:
Pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền (NNPQ) là một di sản lịch sử của nhân loại. Pháp quyền là pháp luật về các quyền - cụ thể là quy định các quyền của công dân, quyền của Nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Nhân dân ủy quyền cho nhà nước thực thi quyền lực thông qua một văn bản pháp luật cao nhất, đó là Hiến pháp - hay còn gọi là “khế ước xã hội”.
Theo đó, Hiến pháp và pháp luật (HP-PL) quy định các “quyền của Nhà nước”, cho phép Nhà nước được làm gì và ghi nhận các quyền của người dân. NNPQ là nhà nước của chính nhân dân, do nhân dân làm chủ và lập nên để phục vụ (vì) nhân dân.
Biểu hiện cao nhất của NNPQ là tính tối cao, tối thượng của HP-PL, không ai đứng trên, đứng ngoài PL. HP quy định, giới hạn quyền lực của nhà nước và đồng thời bảo đảm cho công dân được thực hiện những quyền và tự do đã ghi nhận.
TS. Đinh Xuân Thảo. |
Kiểm soát quyền lực
Việc xây dựng NNPQ được Đảng xác định trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3, khóa VIII và tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) cốt lõi là gì thưa ông?
Đặc trưng cơ bản, quan trọng là thừa nhận, tôn trọng tính tối cao của HP-PL. Mọi hành vi vi phạm PL đều phải bị xử lý, không phân biệt quan chức, dân thường. Quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm, công dân được hưởng những quyền và tự do cơ bản. Quyền lực nhà nước được phân định rõ ràng thành quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp (để chế ước, kiểm soát nhau).
Trong NNPQ XHCN, quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát (bổ sung từ kiểm soát tại văn kiện ĐH XI) lẫn nhau trong việc thực hiện các quyền đó. Có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước nhằm tránh lạm quyền khi thực thi. Vấn đề này sẽ được bổ sung vào HP sửa đổi tới đây.
Hai vấn đề cốt lõi của NNPQ là tôn trọng HP, tôn trọng quyền công dân. Trong quá trình sửa đổi HP, phải làm sao để quyền cơ bản của công dân (và cao hơn, rộng hơn là quyền con người) được thực thi. Không phải ngẫu nhiên, Bác Hồ đã nhắc đến quyền cơ bản của con người (những quyền con người sinh ra đã có) trong Tuyên ngôn lịch sử năm 1945. Điều 1 Hiến pháp 1946 ghi nhận “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân VN”.
Những năm qua việc xây dựng NNPQ ở nước ta đạt được những thành tựu và còn hạn chế gì thưa ông?
Thành tựu có rất nhiều. Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện HP 1992 thấy bộc lộ một số bất cập: Việc tôn trọng HP-PL còn hạn chế từ nhận thức đến thực thi của cả công dân, cán bộ công chức (CBCC). Hệ thống PL chưa hoàn thiện. Vi phạm không bị xử lý, do thiếu cơ chế xử lý, đặc biệt là chưa có cơ chế bảo vệ HP. Còn chồng chéo giữa các nhánh quyền lực. Đặc biệt, chúng ta thiếu một cơ chế kiểm soát quyền lực.
Như ông nói, chúng ta thiếu một cơ chế kiểm soát quyền lực. Điều này cần được hiểu như thế nào?
Cương lĩnh năm 1991 của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định việc kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, việc kiểm soát quyền lực trước hết phải thuộc về nhân dân vì họ là chủ thể nhà nước. Để phát huy được sức mạnh này cần phải có một cơ chế cụ thể và được luật hóa để người dân thực hiện việc giám sát.
Minh định trách nhiệm cá nhân ở từng cương vị
Có ý kiến cho rằng, chúng ta còn nể nang trong xử lý vi phạm. Ít thấy cán bộ cấp cao bị xử lý, trong khi một bộ phận công chức thì nhũng nhiễu, vô cảm?
Trong thực tế, việc này xuất phát từ năng lực thể chế hóa chính sách thành pháp luật còn hạn chế, dẫn đến có khu vực còn trống vắng, chưa có quy định. Thiếu luật thì không thể hành xử theo luật mà theo chủ quan, quán tính của người lãnh đạo. Vì vậy, có những cái gây bất bình.
Chúng ta cũng hay nói đến trách nhiệm tập thể (bởi tập thể quyết định) và không thể quy trách nhiệm cá nhân thì sẽ không bị xử lý. Nhưng thật ra, trong hình sự có thể cá thể hóa hành vi. Còn trong lĩnh vực hành chính, rất cần minh định trách nhiệm cá nhân ở từng cương vị, vị trí thì mới quy được trách nhiệm, để xử lý khi có vi phạm.
Để hoàn thiện bộ máy NNPQ XHCN thì không thể có những “khoảng trống” về mặt pháp luật, nói cách khác, cần có cơ chế để mọi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật?
Một số nước (chẳng hạn như Pháp) thì tổng thống không bị xử lý khi đương chức. Pháp luật nước ta không có quy định như vậy, nghĩa là dù đang là quan chức mà vi phạm thì anh vẫn có thể bị xử lý. Những gì chưa làm được, không phải do pháp luật, mà do tổ chức thực hiện pháp luật. Có một vấn đề khác, đó là chúng ta rất khó xử lý về mặt trách nhiệm chính trị, trách nhiệm vi phạm hiến pháp (vi hiến) - bởi chúng ta chưa có cơ chế bảo hiến.
Lần này sửa đổi HP 1992, chúng ta sẽ nghiên cứu cơ chế về bảo vệ hiến pháp. Từ đó sẽ tính đến việc cần một thiết chế như thế nào cho phù hợp. Tòa án hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến, cần được bàn thảo. Nhưng dù với cơ chế, thiết chế nào, đều cần có con người thực thi tận tâm và có tầm tương xứng. Ở góc độ này, đúng là hiện nay chúng ta có một khoảng trống cả về pháp luật và thực thi pháp luật.
Cảm ơn ông.
Nguyễn Tuấn thực hiện