Cận kề năm học mới, nguy cơ gia tăng nhiều dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm học mới sắp bắt đầu trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ bước vào cao điểm và một số bệnh như tay chân miệng, thủy đậu… vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Đặc biệt từ đầu tháng 8 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo.

Đối với bệnh tay chân miệng, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có hơn 1.200 trẻ mắc đến khám với gần 500 bệnh nhân phải nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cận kề năm học mới, nguy cơ gia tăng nhiều dịch bệnh ảnh 1

Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kì năm trước. Tuần qua cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc, không có ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm toàn quốc có 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 bệnh nhân tử vong. So với cùng kì năm 2022 số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 1.169 ca và 36 ổ dịch.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có gần 2.000 ca thủy đậu (tăng gần 10 lần so với cùng kì năm ngoái)…

Các chuyên gia y tế lo ngại, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, nguy cơ số ca mắc ở trẻ sẽ gia tăng thời gian tới, nhất là khi năm học mới đã cận kề nên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là chủ quan, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.

Cùng với đó dịch đau mắt đỏ đang có dấu hiệu lan nhanh tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận. Trong 3 tuần của tháng 8, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ, tăng 2 lần so với tháng 6.

Tại Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng. Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng từ 10-15% bị biến chứng và di chứng. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.

Chủ động phòng bệnh

Thời gian qua, số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Đặc biệt, sắp tới học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương khuyến cáo, nguy cơ lây lan mạnh bệnh đau mắt đỏ, khi trẻ được chẩn đoán đau mắt đỏ, gia đình cần cho con nghỉ ngơi, cách li tại nhà để tránh dịch bệnh lây lan. Khi trẻ có những dấu hiệu như sợ sáng, quấy khóc, sưng nề phát triển nhanh, ánh mắt mờ đục, có mủ ở lòng đen... cần đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng đề nghị người dân cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín và vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…

MỚI - NÓNG