Cần dự báo chính xác vấn đề thất nghiệp

Cần dự báo chính xác vấn đề thất nghiệp
TPO - Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, đào tạo nghề cho người thất nghiệp và dự báo chính xác tỉ lệ thất nghiệp từ nay đến cuối năm, là những việc cần làm ngay.

>> Hàng loạt vấn đề kinh tế làm 'nóng' diễn đàn Quốc hội

Cốt lõi vẫn là đào tạo nghề

Cần dự báo chính xác vấn đề thất nghiệp ảnh 1

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bà Mai cho biết, tỷ lệ lao động phổ thông không được đào tạo nghề hiện nay quá lớn. Có những vấn đề chúng ta đang cần nắm nhưng lại chưa đưa ra được con số, như lao động làng nghề, lao động tự do... đang trong tình trạng thế nào?

Đây là vấn đề cơ quan nhà nước phải nắm và tiếp tục phải đưa ra các giải pháp.

Tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam phải có tay nghề và trình độ phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, để đón đầu cho sự phục hồi của nền kinh tế, cũng như cơ cấu kinh tế mới.

Ủy ban có đồng tình với những giải pháp Chính phủ đưa ra về giải quyết việc làm?

Các giải pháp Chính phủ đưa ra mới được thực hiện mấy tháng, nhưng khi điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chỉ tiêu tạo 1,7 triệu việc làm trong năm nay.

Đến nay, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội chưa đưa ra dự báo với mức tăng trưởng như vậy, chỉ tiêu việc làm sẽ đạt được bao nhiêu.

Những giải pháp của Chính phủ cũng chỉ là ngắn hạn thôi, vận hành trong khoảng 12 tháng đến 24 tháng. Hiện, các giải pháp có tác động nhất định đối với người lao động.

Chẳng hạn, việc mở thêm bảo hiểm thất nghiệp nhưng người đầu tiên được nhận bảo hiểm phải sau 12 tháng. Như vậy, đến ngày 1/1/2010, người lao động đầu tiên - bắt đầu đóng từ lúc có dạng bảo hiểm này vận hành - mới nhận được bảo hiểm.

Chúng ta cũng có giải pháp cho doanh nghiệp vay để trả lương cho công nhân, nhưng theo tôi biết, đến giờ phút này rất ít doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị vay tiền, vì nhiều lí do.

Theo tôi, vấn đề đào tạo nghề mới quan trọng, cả ngắn hạn và dài hạn. Cho vay để trả lương chỉ là giải pháp tức thời, và các doanh nghiệp cũng không mặn nồng lắm.

Đối với chính người lao động, đào tạo nghề đặc biệt quan trọng. Tương lai của người lao động chính là tay nghề của họ phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

Có hai vấn đề đáng quan tâm nhất của Ủy ban trong năm nay là tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, ảnh hưởng của các biện pháp này đến giải quyết vấn đề mất việc, tạo việc làm.

Điều quan tâm nữa là tác động của suy thoái kinh tế đối với người nghèo, chính sách với những đối tượng này. Chính phủ sẽ đưa ra đề án tổng thể về an sinh xã hội. Cần phải xây dựng một hệ thống an sinh xã hội từ 2010 cho đến 2020.

Trác nhiệm quản lý lao động nước ngoài

Theo bà, Chính phủ cần xử lý như thế nào vấn đề lao động nước ngoài vào Việt Nam theo các dự án mà báo chí phản ánh gần đây?

Hiện, các cơ quan đang rà soát những văn bản liên quan đến lao động nước ngoài vào Việt Nam. Chính phủ cần phải có đánh giá đầy đủ về tình hình này, cũng như việc thực hiện các văn bản pháp luật. Tôi cũng làm việc với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về vấn đề này.

Theo bà, trách nhiệm quản lý lao động ngoài nước thuộc về ai?

Có vấn đề nhiều cơ quan cùng phối hợp nhưng trách nhiệm đầu mối về quản lý nhà nước đối với lao động thuộc về Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Còn trong quá trình thực hiện, có thể phối hợp với Bộ Công an.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng vậy, dù năm Bộ có liên quan, nhưng Bộ Y tế vẫn là đơn vị đầu mối về quản lý nhà nước.

Bà cảnh báo thế nào về những vấn đề xã hội sẽ phát sinh do việc mất việc làm tăng cao?

Chúng ta phải tìm cách để chia sẻ thông tin, giải quyết bài toán về lao động và việc làm. Bởi, có nơi người lao động mất việc, nhưng nhiều chỗ muốn tuyển cũng không được, thậm chí, thiếu nhân lực trầm trọng.

Tôi vào các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, vẫn thấy treo bảng tuyển dụng lao động, trong khi người lao động lại quay trở về nông thôn. Cần tìm nguyên nhân người lao động trở về nhà do thu nhập thấp hay nhiều vấn đề khác nữa.

Trên cơ sở đó, phải có sự chia sẻ thông tin giữa các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương để thông tin đến được với người lao động.

Từ đó, chúng ta giải quyết, cân đối được bài toán lao động và mất việc hiện nay. Nếu giải quyết tích cực thì năm nay, tình trạng mất việc làm sẽ không trầm trọng như dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra.

Xin cảm ơn bà!

Phạm Tuyên thực hiện

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.