Cận cảnh những thánh địa võ thuật của Trung Quốc

Thiếu Lâm Tự, Núi Võ Đang hay làng Trần Gia Câu được đánh giá là những lò đào tạo võ thuật hàng đầu Trung Quốc.

Sự việc võ sư Thái Cực Quyền Trung Quốc Ngụy Lôi mới đây thách đấu võ sĩ trường phái tự do (MMA) Từ Hiểu Đông và bị đánh bại chỉ sau 10 giây thượng đài đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và giới luyện võ. Ngụy Lôi tự nhận mình là một cao thủ võ thuật, đệ tử của truyền nhân đời thứ 7 Thái Cực Quyền hệ Dương gia, đồng thời sáng lập ra hệ phái Lôi Công Thái Cực Quyền.

Vậy để trở thành một cao thủ võ thuật ở Trung Quốc, người tập võ phải trải qua quá trình rèn luyện như thế nào và đâu là những lò sản sinh nhiều cao thủ võ thuật nhất ở quốc gia này? Phóng viên Sascha Matuszak, nhà sản xuất bộ phim tài liệu về võ thuật Trung Quốc với tựa đề "The New Masters", đã đến thăm một số địa điểm được cho là lò đào tạo võ thuật nổi tiếng của Trung Quốc để tìm câu trả lời.

Thiếu Lâm Tự - nơi truyền cảm hứng

Theo Matuszak, Thiếu Lâm Tự tại tỉnh Hà Nam là nơi quy tụ tinh hoa võ thuật Trung Quốc. Dù Thiếu Lâm Tự hiện bị thương mại hóa, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, song người ta vẫn có thể bắt gặp ở đây những võ sư thực thụ.

Player Loading...
Võ tăng Thiếu Lâm Tự luyện tập

"Nếu không kiên nhẫn và tìm tòi khám phá, bạn sẽ thấy chán", Matuszak nói. "Nhưng Thiếu Lâm thật sự là nơi ta tìm thấy võ thuật chân chính".

"Các võ sư giống như những vận động viên. Và các vị sư phụ thì vô cùng mạnh mẽ", Matuszak bình luận.

Bao quanh chùa là hàng chục ngôi trường võ thuật, trong đó lớn nhất là trường Thiếu Lâm Tháp Câu với 35.000 học viên. Trường có những khóa học ngắn hạn, cho phép học viên lựa chọn họ muốn học gì và trong bao lâu.

Núi Võ Đang - xây dựng niềm tin

Núi Võ Đang thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, là cái nôi của Thái Cực Quyền, bộ môn kết hợp giữa võ thuật và các nguyên tắc đạo Lão, khai thác năng lượng nội sinh, dùng để tự vệ cũng như rèn luyện sức khỏe.

Player Loading...
Đạo sĩ luyện tập trên núi Võ Đang

"Những dãy núi ở đây gây choáng ngợp, giống như trong các bức tranh cổ Trung Quốc. Một khu vực tương đối hoang sơ. Thật khó tưởng tượng ra được nơi này trông như thế nào 150 năm trước", Matuszak miêu tả.

Triết lý võ thuật Võ Đang hướng tới những mục tiêu tưởng chừng như xa vời như sự bất tử hay siêu việt song nó vẫn khiến bạn cảm thấy tin tưởng, Matuszak nhận xét.

"Có thể bắt gặp người tập Thái Cực Quyền ở bất cứ đâu trên núi Võ Đang. Mọi người sẽ kể với bạn về đạo Lão và việc luyện tập Thái Cực Quyền cải thiện cuộc sống của họ ra sao, khiến họ cảm thấy tốt đẹp hơn, mọi thứ xung quanh cũng trở nên tốt đẹp hơn như thế nào. Và họ rất sẵn lòng dạy bạn Thái Cực Quyền hay chỉ dẫn bạn luyện tập đúng cách".

Cận cảnh những thánh địa võ thuật của Trung Quốc ảnh 1 Làng Trần Gia Câu, huyện Ôn, tỉnh Hà Nam, được cho là nơi sản sinh ra dòng Thái Cực Quyền Trần thức. Ảnh minh họa: Tai Chi Boston Blog.

Làng Trần - Thánh địa Mecca của Thái Cực Quyền

Làng Trần Gia Câu, huyện Ôn, tỉnh Hà Nam, được cho là nơi sản sinh ra dòng Thái Cực Quyền Trần thức. Các trung tâm đào tạo ở đây thu hút hàng vạn môn đồ từ khắp Trung Quốc và thế giới.

Thái Cực Quyền dòng họ Trần, khởi nguồn từ quyền sư Trần Vương Đình, được công nhận là nguồn cội của nhiều dòng phái Thái Cực Quyền về sau, trong đó nổi bật là Dương thức Thái Cực Quyền do Dương Lộ Thiền (1799 - 1812) sáng lập và Võ thức Thái Cực Quyền do Võ Vũ Tương (1812 - 1880) khai sinh.

"Bản thân ngôi làng chỉ là một nơi nhỏ bé, bụi bặm với những căn nhà gạch thô sơ nhưng Thái Cực Quyền tại đây nổi tiếng toàn thế giới", Matuszak cho biết. "Nếu đi bộ quanh làng, bạn sẽ thấy những người luyện tập Thái Cực Quyền ở mọi ngõ ngách, trên cánh đồng hay bất kỳ đâu".

"Những người luyện tập Thái Cực Quyền trên khắp Trung Quốc thường xuyên tìm đến ngôi làng", Matuszak kể. Đối với những người luyện Thái Cực Quyền muốn tìm kiếm các cao nhân có thể chỉ dạy họ những tư thế chính xác nhất của môn võ này, làng Trần là địa điểm không thể không tới. Các võ sư tin rằng Thái Cực Quyền giúp kích hoạt một nguồn năng lượng nội tại, vậy nên, nếu không tập đúng nó sẽ gây ra những vấn đề về thể chất.

Matuszak cho hay công cuộc tìm kiếm trải nghiệm võ thuật tại Trung Quốc thực sự giống như một thử thách đòi hỏi tính bền bỉ, kiên nhẫn, đôi khi còn cần đến cả trực giác nhạy bén, giống như chính việc luyện tập võ thuật vậy. Đặc biệt, đối với người nước ngoài, nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn.

"Các bậc thầy võ thuật Trung Quốc hiện vẫn rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đệ tử", CNN dẫn lời Matuszak cho hay. "Những đứa trẻ đến từ các vùng nông thôn thường tìm tới họ để học võ với kỳ vọng thay đổi cuộc sống, bằng cách này hay cách khác, chẳng hạn như tìm kiếm việc làm trong tương lai".

"Cách các cao thủ Trung Quốc truyền thụ võ thuật cho người trong nước cũng khác với người nước ngoài", Matuszak nói.

Nhà làm phim người Mỹ Patrick Daly từng hỏi các cao thủ võ thuật Trung Quốc tiêu chí lựa chọn đệ tử chân truyền và nhận được câu trả lời rằng hầu hết họ chỉ truyền võ thuật thực thụ cho những đệ tử theo mình ít nhất 10 năm.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG