“Bí ẩn” đế chế nhà Mulliez
Hệ thống siêu thị Auchan - người khổng lồ trong ngành kinh doanh bán lẻ trên thế giới là công ty ít bị ảnh hưởng nhất bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đằng sau sự thành công của gia đình Mulliez - chủ sở hữu đế chế kinh doanh Auchan là nhiều bí mật kinh doanh lâu đời.
Nhà sáng lập hệ thống bán lẻ của Pháp mang tên Auchan, ông Gerald Mulliez, năm nay đã bước sang tuổi gần 80, là một trong những doanh nghiệp giàu có nhất nước Pháp. Tạp chí nổi tiếng Challenges đánh giá tài sản của tỷ phú này ở con số 15 tỷ euro.
Tuy nhiên, trong danh sách các nhà tỉ phú của tạp chí Forbes (Mỹ) chẳng có thông tin nào về Gerald Mulliez. Tính bảo mật là một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của gia đình nhà Mulliez, nhất là khi liên quan tới các con số như doanh thu, vốn đầu tư và lợi nhuận.
Khởi nghiệp
Sinh thời Gerald Mulliez học ngành dệt may và sau khi ra trường được một thời gian, năm 1965 ông làm giám đốc kinh doanh cho công ty dệt Phildar.
Ông rất nhạy bén với các yếu tố thị trường, Gerald Mulliez là một trong những người đầu tiên ở Pháp nhận ra rằng những quầy hàng thực phẩm nhỏ rải rác và vụn vặt không thể đáp ứng nổi nhu cầu của nhiều triệu người dân. Sau đó ông cất công sang Mỹ để học hỏi kinh nghiệm ở những trung tâm buôn bán có quy mô lớn.
Năm 1961, cửa hàng Auchan đầu tiên được khánh thành tại kho của một nhà máy dệt cũ đã ngừng hoạt động. Logo của công ty được thiết kế dưới dạng một chữ A có vẽ thêm con chim bên cạnh, biểu tượng của sự gần gũi giữa siêu thị với thiên nhiên, cũng có nghĩa là các mặt hàng thực phẩm mà Auchan bán ra luôn tươi mới và dễ tìm.
Chân lý “muốn mua rẻ, phải mua nhiều”
Người Pháp nhanh chóng nhận ra một chân lý: muốn mua rẻ, phải mua nhiều. Và thế là dần dần, cứ vào cuối tuần, xe cộ nối đuôi nhau đổ về Auchan. Đã đến lúc phải mở rộng kinh doanh, khai trương thêm các siêu thị mới. Năm 1967, siêu thị bán hàng có quy mô lớn của Auchan đầu tiên ra đời.
Ngày nay, Auchan đang sở hữu gần 900 đại siêu thị, hơn 860 siêu thị và 370 trung tâm thương mại trên toàn thế giới. Ngoài ra, “đế chế” nhà Mulliez còn sở hữu một loạt các hệ thống cửa hàng khác như Decathlon (kinh doanh hàng thể thao), Tapis Saint-Maclou à Kiabi (kinh doanh quần áo), Boulanger (đồ gia dụng), các nhà hàng Flunch và Pizza Pai.
Auchan áp dụng những sách lược rất hiệu quả ngay từ khi bắt đầu: không tham lãi mà cố gắng bán được nhiều.
Liên minh để “cắm rễ” nơi xứ người
Ngày nay, Auchan là đối thủ của các ông lớn như Wal-Mart, Carrefour, Lotte, Metro, Big C…
Tại Việt Nam, Auchan xâm nhập thị trường từ năm ngoái ở thị trường phía Bắc, khi bắt tay với một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để tiến hành các hoạt động đầu tiên tại Việt Nam.
Tháng 4/2015, khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Philippe Longuet, Giám đốc điều hành Auchan đã công bố “sự trở lại” của tập đoàn này. Và tiết lộ, Auchan sẽ hiện thực hóa kế hoạch rót 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 10 năm.
Tại thị trường phía Nam, để phục vụ kế hoạch đầy tham vọng của mình, gã khổng lồ bán lẻ này đã có bước đi rất khôn khéo, khi “bao” toàn bộ phần thương mại các dự án của “ông lớn” địa ốc tại phía Nam (Sacomreal), hiện doanh nghiệp này sở hữu khoảng 40 địa điểm, dự án bất động sản lớn phủ khắp các địa bàn TP.HCM và vùng phụ cận. Với sự hợp tác này, kế hoạch sang năm 2017 của Auchan mở thêm 15 siêu thị nữa tại TPHCM, quy mô mỗi siêu thị có diện tích từ 2.000 đến 3.000 m², với vốn đầu tư thực hiện khoảng 35 - 40 triệu euro (khoảng 1000 tỷ đồng).
Chiến lược liên minh với các doanh nghiệp nội địa ở các nước khác nhau để “cắm rễ” trên xứ người đã tỏ ra khá hiệu quả, bằng chứng là Auchan nhanh chóng chiếm được vị trí trong danh sách các hệ thống kinh doanh bán lẻ quốc tế lớn nhất.
Những chú chim của Pháp (biểu tượng của Auchan) tỏ ra rất kiên cường để chinh phục những miền đất mới.