Ông Nguyễn Xuân Hùng, hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Nấu ăn và Dịch vụ Khách sạn Hà Nội cho biết, ngành F&B (nhà hàng/cafe/bar-pub) tại Việt Nam đang được đánh giá bước đầu vào thời kỳ phát triển bùng nổ. Sự đa dạng của nhiều nền ẩm thực, hình thức kinh doanh độc đáo, chiêu bài marketing rất sáng tạo… đã và đang xuất hiện hàng ngày.
Theo ông, để khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực và dịch vụ nhà hàng đòi hỏi sinh viên phải có chuyên môn tốt, kinh nghiệm thực tế của cá nhân, cũng như chia sẻ quý giá từ những người đi trước truyền lại. Đặc biệt, khi nền kinh tế hội nhập đòi hỏi các bạn sinh viên phải có ngoại ngữ.
“Mỗi học sinh, sinh viên khi xác định khởi nghiệp trong lĩnh vực này phải xác định rõ ràng mục tiêu, nếu không sẽ bị lệch hướng. Thứ hai, phải có chiến lược cụ thể. Thứ ba, phải tự tin mình sẽ thành công” - Ông Hùng nói.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hương Lan, Giám đốc chuỗi Nhà hàng New Sake ở Hà Nội, khi mở một nhà hàng có thể dễ điều hành, nhưng khi mở cả chuỗi, vấn đề quản lý mới nảy sinh.
“Mình phải đào đạo được những nhân viên cứng tay nghề, và đảm bảo đội ngũ nhân lực có đủ khả năng để đảm bảo cho cửa hàng của mình tồn tại và phát triển. Có thể mở theo mô hình bình dân, hoặc cạnh tranh theo mô hình nước ngoài. Sau mở một cửa hàng thành công thực sự, mới nên tính mở thêm cửa hàng khác”- bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, trong kinh doanh phải bắt kịp thị trường, nếu không sẽ bị thất bại. “Bên cạnh đó, mở mô hình nào cũng phải tìm vị trí cho phù hợp vì vị trí sẽ quyết định 50% thành công của bạn”- bà Lan khuyên các bạn trẻ.
Trong khi đó, CEO của chuỗi Coffee Bike cho rằng, những thương hiệu ẩm thực và dịch vụ lớn trên thị trường thường có thế mạnh về mặt bằng, vốn và kinh nghiệm quản lý, nhưng có thể chi phí vận hành cao.
Mặt khác, phân khúc của họ là khách hàng ở mức trung cao cấp, thường đòi hỏi cao cả về chất lượng món ăn, lẫn chất lượng dịch vụ. Vì thế, việc duy trì chất lượng ổn định tổng thể toàn chuỗi là rất khó khăn.
Ông Thành cho biết, mở chuỗi về đồ uống sẽ đơn giản hơn chuỗi nhà hàng rất nhiều. “Cách đây 1,5 năm tôi có cùng sáng lập một chuỗi café. Giờ này năm ngoái mới có 2 quán giờ đã có 9 quán. Nếu 2 quán mình tự quản lý còn 9 quán thì hệ thống quản lý. Nếu muốn mở rộng chuỗi nhà hàng thì hãy học cách quản lý bằng hệ thống chứ không theo kiểu tự quản lý gia đình được”.
Chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong quá trình khởi nghiệp của mình, ông Nguyễn Tất Dương, Giám đốc nhà hàng Sơn Cầm, nhà hàng Venus cho biết: “Sau khi ra trường tôi vào làm bếp, thời gian đầu vô cùng vất vả. Theo một quá trình dài tôi mới gặt hái được thành công. Do vậy, các bạn trẻ hãy luôn luôn học hỏi, cố gắng, đam mê dù ở lúc vất vả và khó khăn nhất”.
Theo các chuyên gia, lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống cần đặt yếu tố nhu cầu của thực khách lên hàng đầu. Phải biết thực khách họ muốn gì, làm sao để họ sử dụng xong, sau đó sẽ tiếp tục lui tới thường xuyên…. Do vậy, ý tưởng phải được nghiên cứu kỹ trước khi triển khai.