Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng giám đốc Viettel cho rằng, sức mạnh lớn nhất của Viettel chính là khả năng luôn tự đưa mình về số 0. Những chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng rất bổ ích cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, cho việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia.
Luôn nghĩ khác về những gì đã từng làm, từng nghĩ
- Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, theo đồng chí sức mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp nằm ở khía cạnh nào?
- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nhớ thời kỳ khởi nghiệp của Viettel. Trong tay hầu như không có gì. Nhân sự có chưa đến 100 người, tổng tài sản cỡ khoảng 2 tỷ đồng, không phải là tiền mặt mà được vật chất hóa bằng mấy cái ô tô cũ, cái nhà hai tầng. Tôi nghĩ rằng, đã gọi là khởi nghiệp thì trong tay gần như chẳng có gì cả. Thậm chí, chúng ta phải bán đi cả cái xe gắn máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo khoác mình đang mặc để có tiền khởi nghiệp. Nhưng có lẽ, chỉ khi ấy chúng ta mới xả thân. Các tỷ phú của thế giới như: Bill Gates, Steve Jobs thành công từ nguồn tiền khởi đầu của mình. Sau một năm, khi mà chúng ta đã hình thành ý tưởng, lộ ra khả năng rồi thì có thể tìm kiếm, kêu gọi nguồn vốn đầu tư. Tôi nghĩ nguồn quỹ cho khởi nghiệp chỉ nên dành cho những người chiến thắng, tức là những người đã cụ thể hóa ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ có khả năng vào thị trường.
Tôi thường nghĩ nhiều về câu hỏi: Số nào là số to nhất? Chúng ta cứ nghĩ rằng, số 0 là bé nhất, nhưng thực ra đó là số to nhất vì nó chia được cho tất cả các số, tức là nó chứa được tất cả các số. Khi khởi nghiệp, của cải vật chất chưa có gì, nhưng chúng ta phải có một ý tưởng độc đáo, ấy là sức mạnh lớn nhất. Sức mạnh thứ hai là, chúng ta xuất thân từ một nước còn nghèo khó. Sự nghèo khó ấy tạo ra khát vọng vươn lên rất lớn. Chúng ta chưa có gì thì phải xả thân. Các nước giàu, các nước phát triển khó có thể có được sức mạnh ấy.
- PV: Phải chăng vì thế mà đồng chí luôn muốn toàn bộ hệ thống Viettel mang tinh thần khởi nghiệp?
- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Nhà Phật có lý thuyết về xả bỏ. Tri thức mà chúng ta đã dùng đến một lúc nào đó cũng sẽ trở thành chướng ngại ngăn chúng ta đi tiếp. Ví dụ như, chúng ta đọc một cuốn sách thấy hay quá, liền mang theo, khi gặp 10 cuốn sách hay nữa cũng lại mang theo. Nếu có 100 cuốn sách thì chúng ta không đi nổi nữa. Cách tốt nhất là hãy bỏ những cuốn sách đó đi, chỉ giữ lại tinh thần của nó và tìm những cuốn sách mới để nạp thêm những tri thức mới.
Ở Viettel, chúng tôi cũng luôn tìm cách để xả bỏ, để mình luôn luôn là số 0, từ đó, làm mới mình và khởi tạo những việc mới. Năm 2006, khi Viettel đang bắt đầu thành công ở thị trường trong nước thì chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài-khởi đầu từ số 0. Năm 2013, khi chúng tôi đã bắt đầu khẳng định được chiến lược và con đường đi của mình ở thị trường nước ngoài thì Viettel lại khởi tạo một cuộc chơi mới là công nghệ thông tin (CNTT). Giờ nguồn lực CNTT của Viettel đã lớn mạnh. Bây giờ, Viettel lại đang sản xuất thiết bị viễn thông. Viettel đã sản xuất được trạm BTS 4G do chính kỹ sư của chúng tôi sản xuất. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một thiết bị hạ tầng viễn thông của người Việt Nam nghiên cứu và sản xuất chế tạo ở Việt Nam. Viettel cũng đã tham gia vào công nghiệp quốc phòng, đã sản xuất và cung cấp toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cho lục quân, và sắp tới sẽ làm chủ và sản xuất toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cho hải quân và không quân. Viettel có ước mơ nghiên cứu vũ khí công nghệ cao để góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel. Ảnh: Mai Hà
Như vậy là, với việc khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới, Viettel lúc nào cũng là số 0. Mỗi khi bắt đầu từ số 0 thì chúng tôi luôn nghĩ tới tinh thần khởi nghiệp của mình từ những ngày đầu, đó là: Lăn xả, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm làm đến cùng. Những doanh nghiệp viễn thông như Viettel muốn tăng trưởng thì cần phải tìm ra những việc mới, tạo ra những giá trị mới cho khách hàng, phải nghĩ khác về việc mình đang làm, nghĩ khác so với những gì mình đã từng nghĩ.
Chớp lấy cơ hội trăm năm có một
- PV: Đồng chí có thể gợi ý hướng đi tốt nào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp không?
- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi chỉ nói trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, các doanh nghiệp cần phải thấy mình may mắn khi khởi nghiệp đúng vào lúc ngành viễn thông có một thay đổi lịch sử. Đây là cơ hội 100 năm mới có một lần. Bởi trong hơn một thế kỷ qua, ngành viễn thông không có gì thay đổi. Chúng ta khoác cho nó một cái mũ là công nghệ cao nhưng thực chất việc chính là đi đào đường, chôn cáp, rồi xây mấy cái cột ăng ten. Thiết bị chủ yếu là đi mua, từ tổng đài, trạm BTS… Đây là một trong các ngành cũ kỹ nhất. Nhưng bây giờ viễn thông không còn là viễn thông nữa, doanh thu từ miếng bánh chính là thoại và nhắn tin (SMS) đang bị các doanh nghiệp sử dụng công nghệ OTT lấy mất. Khi thứ quan trọng nhất bị lấy đi mới khiến cho chúng ta thay đổi được.
Tôi thấy xung quanh chúng ta có rất nhiều việc để làm. Hãy bắt đầu từ nỗi đau của chính mình. Chẳng hạn như vấn đề tắc đường của Hà Nội. Nếu chúng ta có thể viết được một phần mềm để thay đổi thời gian đèn xanh, đèn đỏ phù hợp với lưu lượng người đi qua từng ngã tư để không gây ùn ứ thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Những phần mềm như vậy, các nhà mạng với nhân sự cồng kềnh và các quy trình cứng nhắc sẽ rất khó có thể cạnh tranh với sự nhanh nhẹn, linh hoạt của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Công ty sáng tạo tốt nhất là công ty dưới vài chục người.
Nếu chúng ta len lỏi được vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội như vậy thì doanh thu của ngành viễn thông không chỉ là 3-4% GDP như hiện nay đâu, nó sẽ phải là 10%. Đây cũng chính là một cơ hội cho đất nước Việt Nam của chúng ta thông minh hơn, thậm chí có thể vượt cả Mỹ. Nghe thì có vẻ buồn cười. Nhưng các bạn có biết rằng, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Ô-ba-ma chỉ đặt mục tiêu đưa được internet đến 15.000 trường học, còn ở Việt Nam, Viettel đã đưa được internet băng rộng đến hơn 30.500 trường và miễn phí hoàn toàn.
- PV: Để vượt lên được thì doanh nghiệp phải có những sản phẩm thực sự xuất sắc. Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng, với nguồn lực tài chính eo hẹp, các doanh nghiệp khởi nghiệp khó tạo ra những sản phẩm như vậy. Đồng chí nghĩ gì về điều này?
- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Để có sản phẩm xuất sắc, điều quan trọng là tự mình phải làm để đáp ứng sở thích của mình. Facebook ban đầu chỉ là mạng xã hội để phục vụ những người viết ra nó, nay đã phổ biến toàn cầu. Viettel có sản phẩm là Voffice. Sản phẩm này giúp cho cán bộ quản lý của Viettel có thể rời bàn làm việc mà vẫn xử lý được các công việc giấy tờ của mình. Sản phẩm ấy đã có khoảng 3 năm rồi nhưng chưa tốt lắm. Khi tôi làm tổng giám đốc thì lúc nào cũng có một chồng giấy tờ ở trên bàn, khiến tôi nghĩ là lúc nào mình cũng có thể chết ngập trong đống giấy ấy. Trụ sở của Viettel thì ở xa trung tâm thành phố, mỗi lần đi họp vào trung tâm mất cả tiếng đồng hồ, đường thì lại tắc. Vì thế, tôi bắt buộc phải dùng Voffice. Tôi dùng được 2 năm thì sản phẩm hoàn hảo. Tôi là người khó tính, đòi hỏi cao, các nhân viên viết phần mềm gần như phải sửa hàng ngày, nên sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Nhiều tổng giám đốc các công ty khác thấy tôi dùng cũng rất thích. Khi chúng ta làm cho chính chúng ta sử dụng thì chúng ta sẽ khó tính hơn, sản phẩm sẽ xuất sắc. Có xuất sắc thì mới đưa ra toàn cầu.
Chủ động chinh phục thế giới
- PV: Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ có thể đầu tư và thành công ở thị trường nước ngoài không, thưa đồng chí?
- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa Việt Nam có một đặc điểm là khi bị đặt vào thế khó sẽ tạo thành sức bật vươn lên mạnh mẽ. Việt Nam đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đó là cách đặt chúng ta vào thách thức, đấy chính là cách tạo ra sức bật. Hội nhập nghĩa là chúng ta phải ra nước ngoài đầu tư chứ không phải chỉ đợi người nước ngoài vào Việt Nam. Nếu chúng ta không chinh phục thế giới thì thế giới sẽ chinh phục chúng ta.
Chúng ta nghĩ rằng, việc đi ra nước ngoài có vẻ khó khăn, to tát, nhưng thực ra, nếu chúng ta có một sản phẩm xuất sắc thì sẽ đi ra được toàn cầu. Khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel đặt mục tiêu rất lớn là sẽ có thị trường khoảng 500-600 triệu dân ở khoảng 20 nước vào năm 2020 và sẽ có thị trường khoảng 1 tỷ dân vào giai đoạn 2025-2030. Bây giờ, chúng tôi đã có được thị trường gần 330 triệu dân ở 11 nước rồi.
Chúng ta cũng hay nghĩ rằng, chỉ có công ty lớn, nhiều tiền thì mới đi ra nước ngoài được. Nhưng thực ra, công ty lớn thì có điểm yếu chết người là to, xoay xở khó khăn. Có hòn đá to thì phải có hòn đá nhỏ lấp vào các khe nhỏ. Và còn rất nhiều chỗ cần những hòn đá nhỏ như vậy. Trước đây, cả thế giới chỉ có 6 công ty sản xuất thiết bị viễn thông thôi, công ty nào cũng to. Nhưng bây giờ nhiều công ty to ấy đã chết hoặc là bị mua lại, và có nhiều công ty nhỏ thay thế thị phần ấy.
Trong 30 công ty đầu tư quốc tế thì Viettel từ một nước nghèo nhất. Nhưng vì thế mà khi kinh doanh ở những thị trường có doanh thu trung bình trên 1 thuê bao (ARPU) thấp thì Viettel vẫn có lãi. Người Việt Nam đã quen với vất vả và rất giỏi xoay xở. Các công ty của nước phát triển thì chỉ ở thành phố, nhân viên ở khách sạn. Chính vì thế, các công ty này chỉ đưa được ít người sang, còn Viettel thì có thể đưa được hàng trăm người sang thị trường nước ngoài, vừa điều hành, quản lý vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai công việc. Chúng ta phải nhìn vào chính những điểm yếu của mình và sử dụng nó để tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
Không thể thành công bởi mô hình của người khác
- PV: Người ta thường nói rằng, sở dĩ Viettel thành công là vì có tầm nhìn chiến lược. Và nhiều doanh nghiệp muốn học theo cách làm của Viettel để có được thành công, đồng chí nghĩ gì về điều này?
- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Tầm nhìn thể hiện ở hai khía cạnh: Thứ nhất là, chúng ta phát hiện ra những điều quá bất hợp lý trong cuộc sống, mà chưa ai giải quyết được. Chúng ta phải có ý thức để thay đổi, cải thiện những điều bất hợp lý đó. Thứ hai, chúng ta phải xem mọi người làm như thế nào, để tìm cách làm khác đi.
Trong thế giới sáng tạo hôm nay, nếu chỉ làm theo một cách, thường chỉ có một người thành công. Người thứ hai bắt chước giống y như vậy sẽ ít khả năng thành công. Có một lần tôi ngồi trò chuyện với một số người. Họ bàn đến mô hình phát triển của Việt Nam; bàn về mô hình phát triển của Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Nhật Bản... xem nên lựa chọn áp dụng mô hình nào cho Việt Nam. Tôi thì cũng chưa nghiên cứu nhiều về nội dung này, nhưng tôi đặt câu hỏi: “Liệu có mô hình nào mà có hai nước áp dụng giống hệt nhau cùng thành công không?”. Những người nghiên cứu kỹ rồi thì trả lời rằng: “Không có!”. Như vậy là chúng ta phải tìm ra hướng đi của riêng mình, còn những cách kia chỉ là những gợi ý cho chúng ta mà thôi.
Sáng tạo là sự va đập của 2 ý tưởng và sinh ra ý tưởng thứ 3. Bản thân tôi khi nói chuyện với mọi người cũng sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo mới trong lúc va chạm về suy nghĩ. Những thông điệp mà tôi chia sẻ đến các doanh nghiệp khởi nghiệp trên đây chỉ phát huy hiệu quả nếu chúng gây cảm hứng để họ nghĩ ra được cái gì đó chẳng giống những gì tôi đã chia sẻ. Họ phải nghĩ ra những gì mà tôi chưa nghĩ ra-đó mới là thành công.