Cần các hoạt động tình nguyện chuyên sâu

Tình nguyện đem lại lợi ích cho nhiều người
Tình nguyện đem lại lợi ích cho nhiều người
TP - Ngày 21/3, các chuyên gia nghiên cứu và cán bộ Đoàn, thanh niên tình nguyện đã cùng bàn, sẻ chia thực trạng, phương pháp nhằm thúc đẩy phong trào tình nguyện phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Bùi Thế Duy chủ trì hội nghị.

Sau 5 tháng nghiên cứu ngẫu nhiên ở các tỉnh Bến Tre, Huế, Hà Giang đối với cả tổ chức tình nguyện, tình nguyện viên và 600 hộ gia đình hưởng lợi ích trực tiếp từ các hoạt động tình nguyện, Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Minh, Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: Không bất ngờ khi hoạt động tình nguyện tác động tích cực đến tất cả các vấn đề liên quan đời sống, sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới, môi trường ở địa phương. Trong đó, vấn đề y tế, xóa đói giảm nghèo, giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm. 

Riêng y tế, năm 2011 có gần 106 người dân được khám, chữa bệnh miễn phí trị giá 3,9 tỷ đồng, phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 1.000 người dân, tư vấn sức khỏe cho trên 300.000 lượt ĐVTN…

Từ khi được lực lượng tình nguyện giúp đỡ, thay vì chưa biết khái niệm biến đổi khí hậu, đến nay người dân đã có nhiều thông tin và cả giải pháp ứng phó. 

Chị Minh chia sẻ, có 33% gia đình trả lời biết các phương pháp ứng phó với thiên tai và đã ứng dụng vào cuộc sống; 19% gia đình biết cách xử lý rác thải và 22% gia đình đã xây dựng lại nhà vệ sinh. Ngoài ra các lĩnh vực khác liên quan đến tình nguyện đều có chỉ số tốt, người dân rất hài lòng và mong được nhận trợ giúp từ lực lượng tình nguyện ở những lần sau.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra hoạt động tình nguyện hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trong đó sợi dây kết nối các tổ chức, chia sẻ thông tin, điều phối các hoạt động tình nguyện để đem lại hiệu quả cao nhất là chưa có. Vấn đề chính sách để chính thức hóa hoạt động tình nguyện, tình nguyện quốc tế vào Việt Nam chưa nhận được sự hỗ trợ cao từ phía Việt Nam cũng là yếu tố khó khăn đặt ra.

Thanh niên có khát vọng được cống hiến, hy sinh thông qua các hoạt động tình nguyện và có tác động tích cực tới cộng đồng là ý kiến của TS Dương Tự Đam. Ông khẳng định, “bất cứ hoạt động tình nguyện nào cũng đem lại giá trị cho xã hội. Tuy nhiên, cần có chính sách tạo động lực cho thanh niên phấn đấu rèn luyện”, ông Đam nói.

Cho cần câu thay con cá

Tuy nhiên, phương thức hoạt động tình nguyện đem lại hiệu quả cao nhất thì còn nhiều điều phải bàn.

Chị Vương Ngọc Hà, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang chia sẻ, ở một nơi đá nhiều, nước ít, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn như Hà Giang liên tục được các lực lượng tình nguyện viên quan tâm, chọn làm điểm đến tình nguyện. Trung bình mỗi năm có hàng trăm đoàn, nhóm tình nguyện chủ yếu đến tặng quà, khám chữa bệnh, giúp dân xóa nhà tạm.

Trong khi thực tế địa phương rất cần các hoạt động chuyên sâu, vận động trẻ đến trường, giúp đổi thay nhận thức. Chị Hà cũng chia sẻ những điểm bất hợp lý khi các đoàn tình nguyện đến địa phương như, chưa hiểu phong tục tập quán, sự phối hợp với cán bộ Đoàn cơ sở còn lỏng lẻo, có nơi hưởng thụ nhiều lợi ích từ hoạt động tình nguyện, có nơi không…

Riêng vấn đề hiểu phong tục tập quán cũng góp phần tăng hiệu quả của tình nguyện. Ví như, “người dân tộc Mông có phong tục không mặc quần áo của nguời khác nên mang cả ô tô quần áo đến cũng bỏ đi, rất lãng phí. Trong khi địa phương khác không có”, anh Nguyễn Phi Long, Phó chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam nói thêm.

Chị Hà đề xuất, “thay vì cho họ con cá tại sao chúng ta không cho họ cần câu? Lực lượng tri thức nên mang giống cây trồng, vật nuôi đến hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân, làm sao để người dân thay đổi nhận thức, tự xóa đói, giảm nghèo. Đó cũng là điều cán bộ Đoàn cơ sở chưa làm được”, chị Hà chia sẻ.

Anh Nguyễn Thiên Tú, Trưởng ban thanh niên Trường học Thành Đoàn Hà Nội cho rằng, lực lượng tình nguyện ở nước ta hiện nay chưa qua đào tạo, có ít kỹ năng. Anh Tú khẳng định, có không ít tình nguyện viên khi đi làm tình nguyện chưa xác định được công việc sẽ làm, có tư tưởng đăng ký đi hoạt động tình nguyện để vui chơi. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động tình nguyện chưa đạt được mong muốn.

Lắng nghe ý kiến, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh nhóm 4 giải pháp, trong đó có phát huy vai trò lực lượng tri thức, đa dạng hóa hoạt động và tham mưu cơ chế, chính sách cho lực lượng tình nguyện. Anh Dũng cho hay, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động tình nguyện để đưa phong trào tình nguyện của Đoàn thành trung tâm dẫn dắt các hoạt động tình nguyện của xã hội.

MỚI - NÓNG