Cân bằng axit béo trong cơ thể có thể hạn chế béo phì

Cân bằng axit béo trong cơ thể có thể hạn chế béo phì
TPO - Nhiều tổ chức và các nhà khoa học cho biết, tăng khoảng 600 triệu người béo phì trên toàn thế giới là kết quả của sự mất cân bằng giữa hấp thụ và tiêu hao năng lượng. 

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho rằng để ngăn ngừa và kiểm soát béo phì, cần tái cân bằng axit béo omega-3 và omega-6 trong chuỗi thức ăn.

Cân bằng axit béo omega-3 và omega-6 giúp kiểm soát béo phì

Con người nên tuân thủ chế độ ăn uống có lượng axit béo omega-3 và omega-6 bằng nhau. Sự cân bằng này là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ trong suốt thời kỳ mang thai và nuôi bằng sữa mẹ, giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh mãn tính.

Hiện nay, tỷ lệ omega-6:omega-3 là 1:1 được thay thế bằng tỷ lệ 16:1. Sự chênh lệch tỷ lệ đáng kể này là hệ quả của những thay đổi rõ rệt về cung cấp thực phẩm trong 100 năm qua.


Công nghệ thực phẩm và nông nghiệp hiện đại đã sản xuất nhiều loại dầu thực vật như dầu hoa hướng dương, dầu cây rum, dầu hạt bông, dầu đậu nành và dầu ngô giàu axit béo omega-6, chuyển chăn nuôi gia súc ăn cỏ sang ăn ngũ cốc. Theo truyền thống, gia súc ăn cỏ có chứa omega-3, trong khi gia súc ăn các loại hạt, ngô và đậu nành lại lại có lượng omega-6 cao. Sự thay đổi các loại dầu và nuôi dưỡng gia súc làm tăng hàm lượng axit linoleic và axit arachidonic - 2 dạng omega-6. Axit linoleic có trong chế độ ăn từ dầu và axit arachidonic lại từ thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa.

Chế độ ăn giàu omega-6 sẽ gây bất lợi đối với cơ thể. Hàm lượng omega-6 cao có thể làm tăng mô mỡ trắng và viêm mãn tính, liên quan đến béo phì, tiểu đường týp 2, bệnh tim, hội chứng chuyển hóa và ung thư. Omega-6 cũng ngăn ngừa chuyển hóa mô mỡ trắng thành mô mỡ nâu để đốt cháy năng lượng và có thể tăng nguy cơ đông máu.
Cơ thể cần cả omega-3 và omega-6, việc cân bằng giữa 2 loại axit béo là điều cốt yếu. Axít béo tác động trực tiếp lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến hấp thu thức ăn và độ nhạy cảm của các hormon liên quan trong kiểm soát lượng đường trong máu và ức chế sự thèm ăn. Omega-3 và omega-6 rất khác nhau về mặt chuyển hóa và chức năng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy có mối liên quan giữa axit béo omega-3 và giảm phát triển mô mỡ và giảm cân, trong khi nồng độ cao omega-6 liên quan với nguy cơ tăng cân.

Bằng chứng khoa học chứng minh sự cân bằng tỷ lệ omega-6 và omega-3 là cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng bình thường, ngăn ngừa và điều trị béo phì và các bệnh kèm theo bao gồm tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư.


MỚI - NÓNG