Cần 600 người vận hành tuyến đường sắt dài 13km

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Thông tin này được ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 9/9.

Theo Ban quản lý dự án đường sắt, lẽ ra dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến Cát Linh- Hà Đông), với chiều dài 13 km đã hoàn thành vào cuối năm 2013 nhưng phải đến cuối năm 2015 mới đưa vào khai thác. 


Tuy nhiên, đến nay khối lượng thi công và mặt bằng thi công chưa được bàn giao vẫn còn lớn. Cụ thể, việc GPMB vẫn đang gặp không ít khó khăn. Tại quận Hà Đông, phạm vi đường dẫn ra vào khu Depot hiện còn 13 ngôi mộ chưa được di dời; tại quận Đống Đa còn 34/54 hộ dân phường Cát Linh và 18/18 hộ phường Ô Chợ Dừa chưa nhận tiền GPMB. 

Ngoài ra, về việc di dời hạ tầng kỹ thuật và chặt hạ cây xanh, hiện còn tồn tại đường dây điện 110 KV đoạn La Thành - Trạm biến áp Thành Công chưa được hạ ngầm…Hạ tầng kỹ thuật chân cầu thang các nhà ga và đoạn đường tránh QL 6 chưa xong việc di dời… 

Để đảm bảo tiến độ dự án, ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Đống Đa, Hà Đông và Sở Xây dựng đẩy nhanh công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật dứt điểm trong tháng 9/2014.
Theo ông Hùng, sau khi hoàn thành vào năm 2015, để vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, cần khoảng 600 người. 

“Chi phí để đào tạo 600 người này hoàn toàn nằm trong kinh phí của dự án. Cuối tháng này sẽ có 37 người đầu tiên được đưa sang Trung Quốc học lái tàu. Hiện Bộ GTVT và thành phố Hà Nội đang thảo luận xem có trả lương cho những người được cử đi đào tạo hay không, khi họ trở về và chờ việc thì có được trả lương không, nếu không trả lương mà họ đi làm việc khác thì cũng gay go”- ông Hùng nói. 

Ông Hùng cũng bày tỏ việc Hà Nội phải sớm thành lập doanh nghiệp vận hành khai thác để đào tạo nhân lực quản lý, vận hành khai thác các tuyến đường sắt trong tương lai.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân tại các vị trí công trường xây dựng. “Chúng tôi mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của nhân dân TP Hà Nội để dự án sớm đưa vào hoàn thành khai thác, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô”, ông Hùng nói.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).

Dự án có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga; đường sắt đôi, khổ 1,435m với tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/giờ. Thời gian chạy từ Cát Linh đến Hà Đông và ngược lại sẽ là gần 24 phút. Lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương 1,02 triệu người mỗi ngày.

MỚI - NÓNG