Cần 25 tỷ USD để xử lý nợ xấu

Cần 25 tỷ USD để xử lý nợ xấu
TP - Cần kìm cương bội chi ngân sách, chi tiền thật để xử lý nợ xấu ngân hàng, thay đổi tư duy thực hiện tái cơ cấu… là những khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm đưa tái cơ cấu nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo định hướng ban đầu.

Phát biểu tại hội thảo Thách thức tái cơ cấu nền kinh tế do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 12/10, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, 5 năm vừa qua là thời gian khó khăn nhất khi phải vật lộn một cách thiếu động lực thúc đẩy với công cuộc tái cơ cấu kinh tế.

Theo ông Thiên, sau 30 năm đổi mới, quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển, kinh tế nước ta không thay đổi được đẳng cấp phát triển. Nền kinh tế dựa chủ yếu vào các ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, với hơn 80% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp. Ngay cả đầu tư công hiện vẫn chưa thay đổi, vẫn lấy “xin - cho” làm trụ, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu, đến nay việc quan trọng hơn chính là phải phân bổ lại nguồn lực. Trong 10 năm đổi mới gần đây, xu hướng tụt hậu so với các nước không chỉ là nguy cơ nữa.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu không sử dụng hiệu quả nguồn lực nằm trong các DNNN với tổng giá trị sổ sách (chưa tính trị giá đất đai) lên tới 400 tỷ USD, sẽ không thể tạo nguồn, tạo vòng xoáy tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế.

Dẫn các số liệu cho thấy nợ Chính phủ gia tăng mạnh thời gian qua cũng một phần do bội chi, TS Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, chúng ta đã phạm quy theo Luật Ngân sách. Thực tế các năm 2014 - 2015, thu ngân sách không đủ bù đắp cho chi thường xuyên. Bội chi ngân sách mỗi năm trên 10 tỷ USD, vượt cả mức chi đầu tư phát triển. Các số liệu cũng cho thấy, Việt Nam hiện là nước thuộc nhóm có mức thu ngân sách cao, lên tới 21-22%.

Chia sẻ về mối lo nợ xấu ngân hàng không được tháo gỡ làm ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu kinh tế, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, số liệu đến cuối tháng 6/2016 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng khoảng 2,58%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu tính theo chuẩn quốc tế, nợ xấu sẽ cao hơn nhiều số báo cáo.

“Hiện việc xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu bằng các biện pháp kỹ thuật. VAMC chưa thể trở thành giải pháp tối ưu để có thể xử lý nợ xấu một cách triệt để”, ông Phước nhận xét và cho rằng, tái cơ cấu giai đoạn 2 phải tính tới 10 tỷ USD nợ xấu đang nằm ở VAMC và từng đó tiền nợ xấu phát sinh trong những năm qua. Việc nợ xấu không được giải quyết triệt để khiến dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế bị “tắc”.

Về đề xuất lập một ủy ban quyền lực cấp nhà nước để thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng, ông Phước cho rằng, tái cơ cấu không thể dùng chung một loại thuốc để chữa cho 5 loại nhóm bệnh của 40 tổ chức tín dụng đang gặp phải. “Theo tính toán, ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, mỗi năm tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới khoảng 1,25% GDP (tương đương 60.000-70.000 tỷ đồng). Để xử lý triệt để cho các tổ chức tín dụng đang mắc nợ xấu, cần khoảng 25 tỷ USD và cần khoảng 180.000 tỷ để xử lý tài sản trong các tổ chức tín dụng trong 5 năm tới.

MỚI - NÓNG