Theo thông tư, về điều kiện đăng ký thành lập trường cao đẳng, có đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý đủ năng lực xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, đảm bảo tỷ lệ không quá 25 sinh viên/giảng viên mỗi khối kiến thức của tất cả các ngành đào tạo, trong đó có ít nhất 15% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.
Có đủ giảng đường, phòng học, thư viện, phòng chức năng phù hợp, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo. Diện tích nhà đã xây dựng đưa vào sử dụng đạt bình quân tối thiểu là 9m2/sinh viên, trong đó diện tích học tập tối thiểu là 6m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên tối thiểu là 3m2/sinh viên; có đủ phòng làm việc cho giảng viên, cán bộ của trường với diện tích tối thiểu là 8m2/người.
Có nguồn lực tài chính đảm bảo các chi phí đào tạo duy trì và phát triển hoạt động đào tạo của trường.
Thông tư cũng nêu rõ, trường cao đẳng bị đình chỉ hoạt động đào tạo trong những trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động đào tạo; Không bảo đảm một trong các điều kiện theo quy định; Người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền; Sau 3 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký Quyết định cho phép hoạt động đào tạo, nhà trường không tuyển sinh và tổ chức đào tạo; Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục, bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ đình chỉ;
Trường cao đẳng bị giải thể trong các trường hợp sau: Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý và tổ chức hoạt động của trường cao đẳng; Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo vẫn không khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ; Mục tiêu và nội dung hoạt động của trường cao đẳng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và địa phương; Theo quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế; Theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập trường cao đẳng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-11-2011.