Cấm nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL là vô lý!

Cấm nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL là vô lý!
TP - Việc Bộ Thủy sản (cũ) cấm nuôi tôm thẻ chân trắng tại khu vực ĐBSCL đang là rào cản cho sự phát triển của những người nuôi tôm. Một chủ trương đang kìm hãm sự phát triển. Lý do cấm nuôi tôm thẻ mà Bộ đưa ra hoàn toàn không thuyết phục.
Cấm nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL là vô lý! ảnh 1
Một khu nuôi tôm công nghiệp ở Kiên Lương

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Kiên Giang bức xúc: “Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có đơn kiến nghị yêu cầu Bộ, ngành chức năng phải mở cửa cho tôm thẻ được phép vào “sống” tại vùng ĐBSCL. Bởi, đây là vùng đất đai, nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với loại tôm này.

Điều vô lý là Bộ cho phép miền Bắc, miền Trung nuôi nhưng lại cấm miền Tây Nam Bộ nuôi. Lý do mà Bộ đưa ra là không thuyết phục khi cho rằng sợ… lây bệnh từ tôm thẻ qua tôm sú.

Thực tế tôm nào mà chả có bệnh. Vấn đề là qui hoạch, phân vùng khoanh nuôi và phòng chống bệnh như thế nào cho khoa học”-Ông Gành nhấn mạnh. “Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã vào Kiên Giang và tôi đã trao đổi với ông ấy vấn đề bức xúc này. Ông Phát nói sẽ nghiên cứu và có chủ trương cụ thể”. 

Thực tế nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Kiên Giang đã phá rào nuôi thử nghiệm và kết quả khẳng định vùng đất này rất thuận lợi đối với tôm thẻ. Cty Đầu tư xây dựng và phát triển Hạ Long vào đầu năm 2007 đã nuôi thử nghiệm tại vùng Tứ Giác Long Xuyên (Kiên Lương, Kiên Giang) 2 ha tôm thẻ chân trắng.

Kết quả chỉ sau thời gian nuôi 3 tháng năng suất đạt 15 tấn/ha. Cty TNHH Trung Sơn nuôi thử nghiệm trên diện tích 3 ha, năng suất sau 3 tháng đạt 10 tấn/ha. Mới đây, Cty Minh Phú từ tỉnh Cà Mau qua Kiên Giang ngay sau khi được tỉnh này chấp thuận giao đất nuôi tôm, ngay  lập tức đã nuôi 5 ha tôm thẻ chân trắng…

Tỉnh Kiên Giang vừa chấp thuận cho một Cty của Đài Loan đầu tư 1.000 ha nuôi tôm tại huyện Hòn Đất, nhưng do vướng vụ “cấm nuôi tôm thẻ” của Bộ nên phải… nằm chờ chủ trương mới.  

Tôm thẻ chân trắng phát triển nhanh, mạnh, năng suất cao. Tôm thẻ chân trắng thời gian nuôi ngắn ngày hơn tôm sú (tôm thẻ chỉ 3 tháng, tôm sú phải 4,5 tháng). Điều này mang lại lợi ích như giảm chi phí ngày công lao động, thức ăn, thuốc men. Mật độ nuôi của tôm thẻ cũng cho phép dày hơn…

Nhiều doanh nghiệp có sẵn nhà máy chế biến, có thị trường tiêu thụ tôm thẻ chân trắng nhưng lại vướng vào một chủ trương hết sức… vô lý.

MỚI - NÓNG