Cám gạo cho lợn giờ siêu đắt đỏ, nhà giàu ăn sáng thay phở

Cám gạo thường được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, nay nhà giàu mua về ăn với giá rất đắt đỏ
Cám gạo thường được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, nay nhà giàu mua về ăn với giá rất đắt đỏ
Cám gạo vốn là thứ phế phẩm được dùng làm thức ăn cho lợn, gà, trâu bò,... Giờ đây, chúng lại trở thành món ăn vô cùng đắt đỏ, được giới nhà giàu xếp hàng chờ mua về tẩm bổ.

Dân giàu mua cám về ăn

Việt Nam vốn là quốc gia đứng top đầu thế giới về sản xuất lúa gạo với sản lượng khoảng 40 triệu tấn/năm, lượng gạo xuất khẩu mỗi năm cũng lên tới 5-7 triệu tấn. Thế nhưng, từ xưa đến nay, khi đem lúa đi xay xát, mọi người chỉ quan tâm đến phần gạo để ăn hoặc để bán, còn cám gạo luôn được coi là phế phẩm, làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì thế, cám có giá khá rẻ, chỉ vài ngàn đồng mỗi cân.

Hình ảnh nồi cháo cám - chè khoán cho người ăn chỉ xuất hiện trong văn học. Vì nghèo nên mới phải ăn cháo cám.

Song, thời gian gần đây, cám gạo bất ngờ được giới nhà giàu xếp hàng đặt mua với giá vô cùng đắt đỏ. Đáng chú ý, thay vì làm thức ăn cho lợn, gà vịt như ông bà ta xưa nay vẫn làm thì giờ họ mua về để ăn hàng ngày nhằm bồi bổ sức khoẻ.

Cầm trên tay ly cám gạo vừa pha vẫn còn ấm nóng, chị Hoàng Hải Vân ở Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), nói: “Trước các cụ dùng cám làm thức ăn cho lợn, còn mình thì phải mua với giá vô cùng đắt đỏ để ăn”.

Khoảng 3 tháng nay, cứ vào sáng sớm, thay vì ăn cơm hay bún phở, chị Vân lại pha cho mỗi người một ly cám gạo uống vừa ngon, đơn giản lại vô cùng bổ dưỡng.

Cái này là cám rang chín sẵn rồi, mình chỉ việc pha với nước đun sôi 70 độ C, thêm một thìa mật ong vào nữa. Cám thì pha ít hay nhiều tuỳ sở thích, nếu uống loãng thì pha 2-3 thìa, thích uống đặc như cháo thì pha 4-5 thìa.

“Nghe chuyện mua cám về ăn thì nhiều người không tin, nhưng nói thật để mua được loại cám này tôi phải đặt cả tháng mới có, giá cũng lên đến 4 triệu đồng/kg. Một tháng gia đình tôi sử dụng hết khoảng 3 kg”, chị Vân chia sẻ.

Tương tự, cầm lọ cám gạo được rang vàng ươm trên tay, chị Đào Bích Liên ở Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị chờ suốt 2 tháng trời mới mua được 2kg cám gạo về ăn.

Đây là cám gạo hữu cơ, không phải cám thông thường nên rất khó mua, giá cũng đắt gấp khoảng 100 lần giá gạo hữu cơ, còn so với gạo thường thì cám gạo hữu cơ đắt gấp khoảng 200 lần.

Chị Liên thừa nhận, trước kia chị vốn nghĩ đơn giản là cám chỉ để cho lợn ăn, chứ người thì ăn gì cám. Nhưng thử qua bột cám gạo hữu cơ thấy rất hấp dẫn, cám mịn, pha thơm ngon hơn cả ngũ cốc. Ngày uống một ly cám gạo cảm thấy nhẹ bụng, người khoẻ khoắn, da mặt cũng hồng hào, đẹp hơn trước rất nhiều.

“Lúc mới đầu nhờ người khác mua hộ một lọ, sau thấy ngon tôi phải xếp hàng mãi mới đặt được mấy lọ cám về ăn dần”, chị nói.

Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Phạm Diễm Lệ - chủ một doanh nghiệp gạo hữu cơ ở Quảng Trị, thừa nhận, dù được cho là phế phẩm song cám gạo giá đắt hơn rất nhiều lần giá gạo hữu cơ. Đặc biệt, bột cám gạo hữu cơ hiện được rất nhiều khách hàng đặt mua, song chị không có nhiều nên chỉ dành bán cho khách quen hay mua gạo hữu cơ, khách lạ hầu như bị từ chối.

Cám gạo cho lợn giờ siêu đắt đỏ, nhà giàu ăn sáng thay phở ảnh 1 Cám gạo có giá khoảng 2 triệu đồng/kg

Phần quý nhất của hạt gạo bị bỏ phí

Theo chị Phan Diễm Lệ, phần cám gạo là thứ quý nhất của hạt gạo bởi nó chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, từ trước đến nay mọi người đều bỏ phí, không biết sử dụng và coi nó nư là một thứ phế phẩm.

Song, chị cũng thừa nhận rằng, để làm ra được sản phẩm cám gạo cho người ăn phải trải qua khá nhiều công đoạn và rất tốn thời gian. Cụ thể, khi đem lúa đi xay xát, máy sẽ tách riêng ra vỏ trấu, cám (cái này dùng để làm thức ăn cho gia súc gia cầm) và gạo. Gạo sau khi xay xát lần 1 màu vẫn khá đục bởi bên ngoài hạt gạo vẫn còn lớp vỏ lụa rất mỏng.

Muốn gạo bóng đẹp, trắng, mọi người thường cho gạo vào máy chà xát nhẹ một lần nữa. Lúc này, máy sẽ tách ra phần gạo bóng đẹp và phần cám lụa. Chị Lệ lấy cám này đem sàng bỏ những hạt cám to, chỉ lấy những hạt nhỏ thật mịn rồi sấy khô.

Công đoạn sấy khô được thực hiện 2 lần, mỗi lần 6 tiếng nhằm tiêu diệt hết vi khuẩn nếu có. Kết thúc công đoạn này, bột cám gạo được rang trên bếp lửa bằng phương pháp thủ công cho đến khi cám chín, có mùi thơm là được.

Thường thì để thu được khoảng 10kg bột cám gạo hữu cơ, chị phải tách lớp vỏ lụa của 1 tấn gạo. Chưa kể, chị chỉ tách ra lấy cám lụa của loại gạo hữu cơ đem đi nấu rượu, còn gạo hữu cơ bán trên thị trường vẫn giữ nguyên vỏ lụa.

“Đó là lý do cám gạo hữu cơ vừa đắt vừa hiếm, cung luôn không đủ cầu và khách thì phải xếp hàng đặt mua”, chị chia sẻ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Colorado (Mỹ) cho rằng, cám gạo thường bị loại bỏ trong quá trình xay xát và chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, song lại có nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ con người.

GS. Elizabeth Ryan, tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Rice, cho biết, một phần cám gạo - 28g theo USDA - cung cấp hơn một nửa nhu cầu hàng ngày của một người về các vitamin quan trọng như thiamin, niacin và vitamin B6. "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các cơ chất, vitamin và axit amin chiếm gần 50% tổng hàm lượng phân tử nhỏ", GS. Ryancho hay.

Tài liệu y văn cho thấy, một số hợp chất được nhóm nghiên cứu tìm thấy trong cám gạo được chứng minh là có tính chống viêm, kháng khuẩn và chống cao huyết áp, cùng với nhiều đặc tính khác. Cám gạo cũng có hàm lượng protein 12-15%, điều này rất đáng chú ý vì có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng - một mối quan tâm sức khoẻ toàn cầu hiện nay.

Theo GS Ryan, gạo là thực phẩm chủ yếu của hơn một nửa dân số thế giới, được trồng tại hơn 100 quốc gia. Cám gạo có thể cung cấp hơn 400 hợp chất riêng biệt và nhiều chất trong số này có thể phối hợp với nhau có tác dụng tốt với sức khoẻ con người.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.