Tối 16/10, anh Thao ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân nhận được 15 thùng quà quê từ Thanh Hóa, bên trong là 60 bình nước khoáng 5 lít.
Về nhà lúc 18h, anh Lê Minh Thao thấy trước cửa nhà mình la liệt những thùng carton đựng nước khoáng đóng chai. Bố mẹ anh kể, cậu mợ ở quê nghe tin người dân Hà Nội phải xếp hàng dài mua nước nên chủ động gửi ra cho cháu. Nhìn căn bếp chật chội ngổn ngang những nước, anh Thao không biết nên khóc hay cười khi "lần đầu trong đời nhận thứ quà quê lạ thế này".
Món quà quê lần đầu tiên anh Thao được nhận. Ảnh: NVCC.
Phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, nơi anh sinh sống thuộc địa bàn cấp nước của Công ty nước sạch sông Đà. Sau sự cố ô nhiễm đầu nguồn nước của nhà máy nước sông Đà, câu chuyện của những cư dân nơi này chỉ xoay quanh nước sạch. Chiều tối 15/10, sau khi Công ty nước sạch Hà Nội điều 4 xe tec lưu động đến cấp nước sinh hoạt, khoảng sân trước các khu tập thể và chung cư quanh nhà anh đông nghịt người xách xô, xếp hàng hứng nước đến nửa đêm. Nhà anh Thao có dự trữ một téc nước 2 m3 nên tạm thời chủ động được một phần nước tắm giặt. Nước không còn mùi nhưng anh cũng không yên tâm dùng để ăn uống. Anh dự định chia sẻ 1/3 số quà quê với gia đình họ hàng sống cùng khu phố. Còn lại, gia đình 6 người sẽ dùng tiết kiệm trong khoảng 5 ngày tới. Cùng lúc đó, ở Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông), chị Hoàng Khuê cũng trở về nhà với cốp ôtô chất đầy những chai nước lọc loại 1,5 lít. Chị tranh thủ mua trong siêu thị gần cơ quan trên phố Cầu Giấy, vì các cửa hàng gần nhà đều đã trắng kệ từ chiều 16/10. Tiền mua nước đóng chai hết 1,3 triệu đồng, gần "bằng tiền hóa đơn nước cả năm". Bảy ngày từ khi nguồn cấp nước từ Công ty nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, gia đình chị "sống khổ sống sở". Những ngày đầu tiên, cả nhà vẫn tắm giặt bằng thứ nước này, uống nước đóng chai. Nước nấu ăn được lọc qua máy. Chị chọn nấu những món đơn giản nhất, ưu tiên các đồ chế biến sử dụng ít nước. Hôm nay cả nhà chị kéo ra ngoài ăn vì cả khu đã bị cắt nước để sục rửa đường ống. Qua trường học đón con, chị Khuê hẹn chồng ra thẳng phố Trung Hòa để ăn tối. Cả nhà nhất trí chọn món chả cá vì... ít nước. Chị sợ các con ăn đồ loãng sẽ đi vệ sinh nhiều. Nhà không còn nước để dội bồn cầu, ba bố con đều phải đi tiểu vào vỏ chai rỗng. Còn vệ sinh nặng thì tranh thủ trên cơ quan.
Cư dân khu đô thị Mỗ Lao nơi chị Khuê sống xếp hàng lấy nước trong tối 16/10. Ảnh: Lê Chiến.
Nhét quần áo, sữa tắm, kem đánh răng, bàn chải vào cái túi, gia đình 4 người nhà chị Khuê "hành quân" sang nhà cô ruột ở phố Thái Thịnh cách 6 km để tắm nhờ. Bọn trẻ đi học cả ngày, không thể không tắm. Cả hai bộ đồng phục của các con đã bẩn mà chưa có nước giặt. Chị định mai nhắn tin xin phép cô giáo cho con không mặc đồng phục vì nghĩ "chắc nhà trường cũng thông cảm trong tình cảnh này". Đêm muộn, cả tầng í ới gọi nhau tìm mối để mua chung nước. Người đi siêu thị vét nước đóng chai, người đi tắm nhờ hoặc di tản đâu đó vài ngày. Gặp nhau ở thang máy, ai cũng lộ nét mệt mỏi. Gần 23h, cả gia đình từ phố Thái Thịnh trở về. "Chiến lợi phẩm" mang theo là 2 lốc nước khoáng mua thêm trong cửa hàng tiện lợi, một can 20 lít và lỉnh kỉnh chai lớn, chai bé đầy nước. Số nước này chỉ được dùng để đánh răng, rửa mặt và dội nhà vệ sinh.
Số nước chị Khuê mang về từ buổi đi tắm nhờ. Ảnh: NVCC.
Tại một góc khác của thủ đô, chị Nguyễn Thị Huyền (30 tuổi) ở chung cư trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm xoay sở với cuộc khủng hoảng nước sạch bằng việc cắt toàn bộ các món canh trong bữa cơm. Ba ngày nay, mỗi ngày chị mua 18 lít nước của cửa hàng tiện ích dưới chân chung cư với giá 78.000 đồng để nấu ăn. Nhiều khi rửa rau xong xuôi, chị mới ngớ ra mình vừa rửa rau bằng nước vòi, nên lại phải đổ nước khoáng ra rửa lại. Bữa cơm tối qua, theo thói quen, chị vặn vòi lấy nước nấu canh, gần sôi mới giật mình đổ đi nấu lại. "Thực sự nấu nướng quá khổ sở". Rời công sở lúc 20h, chị Huyền gọi điện đặt 2 chiếc Pizza, bữa tối dành cho chồng và con trai 6 tuổi. Giữa giờ làm việc hôm ấy, chị nhận được tin nhắn từ Ban quản trị tòa nhà thông báo dừng cấp nước. "Theo thông tin nhận được, nước sạch hiện chỉ đủ cung cấp ưu tiên cho bệnh viện và trường học. Rất mong quý cư dân thông cảm". Xe chở téc nước đã không đến với chung cư nhà chị. "Bạn mình ở Hoàng Đạo Thúy, nửa đêm qua bảo vệ còn lên gõ cửa kêu xuống lấy nước mà khu mình không được, phải tự xoay sở". Tối nay, thành viên duy nhất trong nhà chị Huyền được tắm là cậu con trai học lớp Một. Nếu tình trạng mất nước kéo dài, chị buộc phải gửi con về quê ngoại ở Quảng Ninh. Còn vợ chồng chị sẽ khăn gói sang nhà bạn bè, hoặc thuê tạm nhà nghỉ, khách sạn để có nước tắm. Hai năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Bá Nghiêm, 70 tuổi chuyển lên sống ở Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai để trông cháu giúp vợ chồng con trai. Ngày mới lên, ông đã xác định nước nôi trên Hà Nội sẽ không được như ở Hải Phòng, nơi có hệ thống cấp thoát nước được xếp vào loại tốt nhất Việt Nam. "Nhưng cũng không ngờ lại tệ đến thế". Hai ngày nay, nghe tiếng loa thông báo là ông vội vàng mang xô xuống sân chung cư HH3A Linh Đàm để lấy nước. Xách được cái xô 15 lít lên đến tầng 10 là ông đứng thở không ra hơi. Mỗi buổi, dù cố lắm ông cũng chỉ xách được 3 xô. Mấy mươi năm trước, ông cũng từng đặt gạch, xếp hàng canh nước đến 3h. Gánh được 5 – 6 chuyến về nhà thì trời sáng hẳn, ông lại đi bảo vệ cảng Hải Phòng. Giờ sống giữa thủ đô năm 2019, mà ông ngỡ mình vẫn trong thời bao cấp.
Sự cố "nguồn nước sạch Hà Nội bị nhiễm dầu thải" làm đảo lộn cuộc sống khoảng 250.000 hộ dân Tây Nam thành phố, khu vực đang sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco). Hiện, thành phố vẫn chưa thông báo cụ thể số lượng các hộ chịu ảnh hưởng.
Đêm 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Nguồn dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Ngày 10/10, người dân phát hiện nước có mùi khét. Sau khi lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu xét nghiệm, thành phố kết luận nước bị nhiễm chất Styren, có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.
Theo Theo VnExpress