Cảm động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết sau nhiều năm tha hương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 11 chuyến xe lần lượt đưa 450 người dân Quảng Ngãi về quê đoàn viên với người thân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Sáng 6/2 (nhằm ngày 27 tháng Chạp), hàng trăm người dân, học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn đi trên chuyến xe “0 đồng” do Ban tổ chức chương trình Sắc quê Quảng Ngãi tại TPHCM thực hiện đã về đến TP. Quảng Ngãi an toàn…

Nhiều người cảm động rơi nước mắt, khi được về quê đoàn viên cùng gia đình sau nhiều năm lam lũ nơi đất khách, nhưng ai cũng mong đời mình sẽ không đi chuyến xe này nữa.

Cảm động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết sau nhiều năm tha hương ảnh 1

11 chuyến xe "0 đồng" đưa 450 người dân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.

Vừa bước xuống xe, bà Trần Thị Đầy (57 tuổi, trú xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) vui mừng, nói: “Tôi bán vé số, Tết năm ngoái tôi phải ở lại TPHCM vì không đủ chi phí về quê đón Tết... Năm nay kinh tế khó khăn dự định cũng sẽ không về. Nhưng may mắn được một người cháu trong xóm trọ biết đến chuyến xe nghĩa tình và đã đăng ký giúp. Cầm tấm vé xe tôi thật sự xúc động. Chuyến trở về này, tôi và nhiều người được quan tâm, lo ăn uống đầy đủ. Cảm ơn lòng tốt của mọi người… vậy là tôi đã về đến quê đón Tết cùng gia đình”.

Những chuyến xe về đến sân trường Đại học Phạm Văn Đồng, mỗi người một hoàn cảnh, mưu sinh đủ ngành nghề. Từ lượm ve chai, bán vé số, bán chổi, bán hàng rong cho đến các em học sinh, sinh viên nghèo. Trên những chuyến xe còn có rất đông người là người dân Quảng Ngãi đi chữa bệnh tại TP. HCM.

Cảm động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết sau nhiều năm tha hương ảnh 2

Bà Trần Thị Đầy vui mừng khi đi chuyến xe "0 đồng" từ TP. HCM về quê nhà Quảng Ngãi đón Tết.

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng có điểm chung là tha hương và nghèo khó. Những chuyến xe “0 đồng” chan chứa tình cảm đồng hương đã san sẻ phần nào đến người dân, các em học sinh, sinh viên trong dịp Tết này.

Vợ chồng bà Trần Thị Mỹ Dung (65 tuổi, trú phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi) vào TP. HCM bán chổi. Mấy năm rồi bà không về quê, nên vừa bước xuống xe cả hai vợ chồng bà đều cảm thấy vui và hạnh phúc.

“Đi xe 0 đồng về quê đón Tết, tôi thấy rất hạnh phúc và ý nghĩa. Nhưng tôi mong sẽ không bao giờ đi xe này, bởi lúc đó mình không còn khó khăn nữa. Mong sao những năm tới làm ăn khá giả hơn, sẽ nhường những tấm vé xe như thế này cho người khác được về quê”, bà Dung thổ lộ.

Cảm động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết sau nhiều năm tha hương ảnh 3Cảm động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết sau nhiều năm tha hương ảnh 4

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng có điểm chung là tha hương và nghèo khó

Chị Dương Thị Kim Liên - Tổng thư ký chương trình Sắc quê Quảng Ngãi cho biết, sau khi đấu giá nhiều vật phẩm và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đã tổ chức 11 chuyến xe 0 đồng cho bà con nghèo về quê đón Tết. Trong số này có 116 người lượm ve chai; 24 người bán vé số; 77 người bán chổi và hàng rong khác; 67 sinh viên nghèo; 124 bà con chữa bệnh, công nhân, phụ hồ...

Theo chị Liên, để chọn được những người có hoàn cảnh khó khăn, BTC phải nhờ rất nhiều kênh như đi đến những khu vực bà con lao động nghèo quê mình thuê trọ, qua giới thiệu của các hội nhóm thiện nguyện, chính quyền địa phương tại Quảng Ngãi… “Ban tổ chức chuyến xe 0 đồng rất hạnh phúc khi chia sẻ khó nhọc cùng bà con. Tuy nhiên cũng có một chút buồn bởi có hơn 1.000 người đăng ký nhưng chỉ hỗ trợ được khoảng 450 người”, chị Liên nói thêm.

Cảm động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết sau nhiều năm tha hương ảnh 5Cảm động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết sau nhiều năm tha hương ảnh 6

Trên chuyến xe cũng có nhiều cháu bé về quê đón Tết cùng cha mẹ.

Tết cận kề là thời điểm khan hiếm vé xe, vé tàu về quê ăn Tết. Giá vé vì thế cũng cao hơn so với ngày thường. Những chuyến xe nghĩa tình, hỗ trợ vé miễn phí thật sự có ý nghĩa đối với người lao động tha hương, người dân đi khám, chữa bệnh, sinh viên nghèo Quảng Ngãi đang học tập tại TPHCM.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.