Cầm cự

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vợ tôi có hơn 15 năm làm việc cho một doanh nghiệp du lịch tại TPHCM. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và doanh thu giảm sút mạnh nên công ty thường chậm trả lương và không có thưởng Tết.

Trong năm 2023, việc nợ lương càng thêm nghiêm trọng và kéo dài, với 7 tháng liên tiếp. Cố gắng mãi, cách đây ít hôm công ty mới thanh toán được 1 tháng lương để cán bộ, nhân viên… cầm hơi. “Sáu tháng lương còn lại không biết đến khi nào mới được trả, vì các nguồn thu mới chỉ đủ duy trì hoạt động, ngoài ra còn phải dành để đầu tư phát triển cho thời gian tới”, giọng vợ tôi buồn bã, rồi bỏ lửng câu nói: “Lại một năm nữa không lương, thưởng Tết…”.

Vợ tôi cũng cho biết, vì không có lương nên trước đó nhiều người đã phải nghỉ công ty này để tìm kiếm việc làm ở nơi khác. Những người còn lại, chủ yếu là người ít nhiều có nguồn hỗ trợ khác từ gia đình, đồng thời đã có quá nhiều gắn bó với công ty nên cố ngắng cầm cự để mong năm tới tình hình sáng sủa hơn.

Trong bối cảnh kinh tế chưa kịp hồi phục, doanh nghiệp thiếu hợp đồng, đơn hàng và doanh thu giảm sút nên phải sa thải lao động, cho nghỉ không lương hoặc nợ lương là điều không tránh khỏi. Tình trạng nợ lương người lao động đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực kinh doanh sản xuất, nhất là các lĩnh vực liên quan bất động sản, xây dựng, sản xuất da giày, may mặc, du lịch….Mức độ nợ lương mỗi nơi có khác nhau, nhưng phổ biến kéo dài trong nhiều tháng, với số tiền nợ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với đa phần người lao động nghèo.

Báo cáo của các cơ quan chức năng ở một số địa phương ghi nhận có nhiều doanh nghiệp, đơn vị nợ lương người lao động. Tại Đồng Nai, cơ quan quản lý địa phương cho biết có 3 doanh nghiệp nợ lương người lao động, với tổng số gần 160 người và số tiền nợ trên 4,85 tỷ đồng. Tuy nhiên, những con số báo cáo không phản ánh đúng và đủ tình hình thực tế đang diễn ra. Vì rằng, phần lớn các doanh nghiệp nợ lương đều tìm cách tránh né để không phải “vạch áo cho người xem lưng”, thậm chí còn tìm cách sa thải người lao động để không phải thực hiện nghĩa vụ trả lương. Trong khi các cơ quan chức năng không đủ sức kiểm soát hay can thiệp để xử lý tất cả mọi trường hợp, tình huống phát sinh. Ngoài những doanh nghiệp đã được điểm mặt, còn có không ít đơn vị nợ lương khác vẫn chưa được khi nhận.

Với người lao động, một số chấp nhận chịu nợ lương để chờ cơ hội, nhưng phần lớn do không biết cách, đồng thời không nhận được sự hỗ trợ cần thiết về mặt pháp lý của cơ quan chức năng hoặc các tổ chức xã hội nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi đòi nợ lương. Vì bất lực, nhiều người đã phải bỏ cuộc để tìm việc khác hoặc trở về quê sinh sống.

Nợ lương luôn đi kèm với không có thưởng Tết. Cho nên, đời sống của người lao động bị nợ lương đã khó lại càng thêm khó, nhất là vào dịp cuối năm, tết nhất nhu cầu chi tiêu gia tăng mạnh. Vì vậy, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để các đơn vị thực hiện nghĩa vụ trả lương người lao động theo quy định của pháp luật là điều hết sức cần thiết trong lúc này.

MỚI - NÓNG