Cái tôi, cái ta

Cái tôi, cái ta
TP - Có lần một tờ báo tiếng Anh đưa ra câu đố vui về ngôn ngữ: tại sao các đại từ nhân xưng tiếng Anh đều không viết hoa (you, we, he/she/it, they…) nhưng duy nhất chữ I lại viết hoa? Anh, chị, anh ấy, chị ấy, bọn ta, bọn họ… không viết hoa, nhưng Tôi lại viết hoa? Chỉ có một chữ Tôi ấy được ngữ pháp quy định viết hoa mà thôi.

Có người trả lời: bởi vì cái Tôi bao giờ cũng to nhất, cái Tôi bao giờ cũng phải được kính trọng nhất, bạn ơi.

Không ngoa, trong một bảng đồ họa đối chiếu phương Đông và phương Tây, ở mục Lối sống, cái tôi phương Đông được vẽ bé tí, trong khi cái tôi phương Tây thì to tướng, choán hết cả khuôn hình.

Cái tôi trong tiếng Việt, ngôn ngữ của một cộng đồng thứ bậc, không chỉ tôi mà còn tao, em, cháu, mỗ, bản thân, ta đây, vân vân. Ở nơi công cộng, công sở, tự xưng là tôi theo kiểu công dân mà cũng khó, ngại xưng tôi như thể sợ người ta bảo mình thiếu khiêm tốn.

Một nghệ sĩ trẻ, một vận động viên trẻ, được nhà đài phỏng vấn cứ xưng là em là cháu. Rồi chính anh chị nhà đài cũng ngang nhiên xưng với người được phỏng vấn là chị là cô là anh là chú. Đang tập cho quen với tinh thần công dân dân chủ mà vướng ngay vào xưng hô thứ bậc, thật khó.

Tôi từng viết về cách xưng hô trong truyện ngắn Chợ (2002), hơi đùa, hơi gây hấn một tí: “Người Bắc lạ thế. Khó mà xưng hô với nhau anh tôi theo kiểu công dân. Gặp nhau lần đầu chẳng cần biết tuổi cứ xưng em với bất kỳ ai. Gọi nhau trên điện thoại giao dịch, nào có biết mặt người ta mà cứ ton ton xưng em. Nhưng cứ thử quệt xe vào em, thử nhỡ mồm nhỡ tay với em một cái mà xem, em sẽ nhảy lên thành bố mình ngay”.

Người Việt dùng từ “tự học” để nói việc học hành do nỗ lực bản thân, không cần có thầy bạn kèm cặp. Cha mẹ nhắc con: Tự mà học đi. Cũng khái niệm này, tiếng Anh nói: Teach it yourself, tự mình hãy dạy lấy chính mình. Tự học có lẽ là cái tôi acủa mình vẫn thấp, phải tìm đến một cái hơn mình, hiểu biết hơn mình, tìm đến sách vở trợ lực. Tự dạy, tức là bản thân mình đã là người thầy, tự mình đã có kiến thức (lấy từ sách vở chẳng hạn), mình dạy cho chính mình. Đề cao cá nhân, khích lệ nỗ lực cá nhân, cổ vũ bản lĩnh và lòng tự tin.

Cũng là khía cạnh nhìn thấy tính lạc quan của vấn đề, người ta nói: “làm mới cái nhà” (renovation), khác với ta gọi là “sửa nhà”. Cái nhà nứt rạn, thấm nước… thì “sửa nhà” là nhấn mạnh đến việc xuống cấp của nó. Còn “làm mới cái nhà” lại nhấn mạnh đến khía cạnh tốt đẹp trong tương lai của nó.

Tôi cũng học được cách diễn đạt lịch sự của tiếng Anh và một số ngôn ngữ phương Tây. Tôi thường viết: “cô ấy và tôi”, chứ không viết “tôi và cô ấy”. She and I. Ngữ pháp tiếng Anh quy định khi có hai đại từ nhân xưng trở lên thì phải đặt người khác lên trước mình. Ký tặng sách cho một cặp vợ chồng chẳng hạn, tôi sẽ ghi tên người vợ trước, tên người chồng sau. Lady first, quy tắc lịch sự Âu - Mỹ là thế, quý bà phải được mời đi trước quý ông, quý bà được nhường đường. Nhưng chỗ này cũng phải có một lưu ý: lên cầu thang, quý bà thường mặc váy, có khi lại váy ngắn nữa, thì khi ấy không phải lady first, mà quý ông lịch sự nên bước lên trước, coi như dẫn đường.

Từ chuyện cái tôi và cái ta trong ngôn ngữ, nói thêm chuyện này có lẽ cũng không đi quá xa: gọt cam gọt táo, người phương Tây thường gọt theo chiều vào trong lòng mình, như chủ động nhận lấy cái nguy hiểm của lưỡi dao sắc. Nhưng người phương Đông lại cho đó là gọt ngược. Phương Đông phần nhiều gọt từ trong gọt ra, đùa thì bảo ta giữ an toàn cho bản thân ta, còn chẳng may gọt ra trúng ai người ấy chịu.

MỚI - NÓNG