Cái kim, sợi chỉ... cản trở dệt may

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại buổi làm việc với Vinatex.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại buổi làm việc với Vinatex.
TP - “Dệt may đang làm tốt hai khâu đầu và cuối là sợi và may, nhưng điểm nghẽn là công nghiệp phụ trợ, nhuộm…đều khó khăn. Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói tại buổi làm việc với tập đoàn Dệt may Việt Nam, sáng 20/6.

Điểm nghẽn công nghiệp phụ trợ

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Thông qua tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Vinatex làm rõ một số vấn đề của doanh nghiệp để không những phục vụ tăng trưởng trước mắt, mà còn có ý nghĩa với sự ổn định, phát triển lâu dài của đơn vị. Thủ tướng cũng yêu cầu Vinatex đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sao cho hiệu quả. Theo Bộ trưởng Dũng, hiện tập đoàn đang đầu tư 19 dự án sợi, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp sửa chữa. Tuy nhiên, tập đoàn mới đang làm tốt 2 khâu đầu và cuối là sợi và may. Riêng khâu quan trọng, cốt lõi là phụ trợ ngành dệt may, nhuộm... hiện rất khó khăn. 

“Dệt may đang làm tốt hai khâu đầu và cuối là sợi và may, nhưng điểm nghẽn là công nghiệp phụ trợ, nhuộm… đều khó khăn. Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào? Đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả với mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu. Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đặt vấn đề yêu cầu Vinatex có giải pháp để thay vì gia công thì phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, tránh tình trạng giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về thực tế không cao.

Lãnh đạo Vinatex thừa nhận hoạt động đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu may gia công xuất khẩu, nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm. Vì vậy phải nhập khẩu vải từ các quốc gia khác. Bên cạnh đó công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển. Tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, vải không đủ phục vụ may (trên 70% vải là nhập khẩu) tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex - Trần Quang Nghị, ngay cả khi thế mạnh là cắt may thì phương thức gia công xuất khẩu vẫn là chủ yếu, các phương thức mang lại giá trị gia tăng cao hiện chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Áp lực “ông chủ thật, ông chủ giả”

Theo Bộ trưởng Dũng, một vấn đề nữa cũng được Thủ tướng lưu ý Vinatex là phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp như May Nhà Bè, May Việt Tiến… mà không cổ phần hóa sớm thì không có bước phát triển như vừa qua. Bộ trưởng kể trong chuyến thăm Mỹ, đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào gian hàng của Ivanka Trump - con gái Tổng thống Trump và rất vui khi chứng kiến hàng made in Việt Nam được bày bán tại đây. Đó là những chiếc áo khoác rất đẹp, nhẹ, chất lượng cao.

Tương tự, khi đoàn công tác tới thăm siêu thị Aeon của Nhật ở Osaka trong chuyến thăm của Thủ tướng mới đây cũng chứng kiến hàng may mặc của Việt Nam được bày bán rất nhiều. “Nói vậy để thấy hàng may mặc của ta đã chinh phục được những thị trường khó tính nhất. Song các thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm, chúng ta phải lưu ý, thay đổi cách tiếp cận thị trường để không bị bỏ lại, nhất là với các đối thủ như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ”, ông Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Trần Quang Nghị cho biết, những doanh nghiệp cổ phần hóa “sâu” đều làm rất tốt, nhưng những đơn vị cổ phần hoá “cạn”, hay Vinatex vẫn giữ hơn 80% thì “làm chơi ăn thật”. “Ông chủ thật” bám thị trường, chăm sóc khách hàng, quản trị sản xuất, tinh giản biên chế, giảm chi phí. Nhưng “ông chủ giả”- người làm thuê thì làm chừng mực vừa phải, theo nhiệm kỳ”, ông Nghị thẳng thắn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu với vốn nhà nước sẽ được quyết định trong thời gian tới, nhưng việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước vẫn tiến hành bình thường theo lộ trình. Sau các chuyến thăm Hoa Kỳ, Nhật Bản, tới đây Thủ tướng sẽ tiếp tục thăm Đức, Hà Lan, qua đó tiếp tục mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.