Tạm dừng TPP là cơ hội cho dệt may, nông nghiệp

TP - Trao đổi với PV bên lề kỳ họp ngày 22/11, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, việc tạm dừng TPP chính là cơ hội để ngành nông nghiệp cơ cấu lại, còn ngành dệt may sẽ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Ngân, dừng hay tạm thời dừng TPP, chúng ta cũng có thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước. Bởi vào TPP có lợi thế nhưng có ngành cũng bất lợi. Ví dụ ngành nông nghiệp, nếu chậm vào TPP sẽ giúp ngành nông nghiệp có thời gian cơ cấu lại và chuyển dịch theo hướng sản xuất lớn, chuyên nghiệp.

Có chăng chỉ ảnh hưởng một phần đến ngành dệt may. Song hiện ngành này đang hướng tới đa thị trường, đặc biệt thị trường châu Âu và ngay cả hiệp định Á-Âu trước đây ta ký kết sẽ hỗ trợ cho phát triển thị trường. 

Trong khó khăn luôn luôn có những cơ hội và cơ hội nằm ở chỗ đó. Đây là điều kiện để ta đưa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, góp phần nâng cao năng lực, thể hiện tính tự chủ. “Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Trung ương cũng đều bàn đến vấn đề thị trường trong nước. Với 92 triệu dân là thị trường rất màu mỡ mà nhiều quốc gia thèm muốn. Vậy tại sao mình cứ hướng ra xuất khẩu mà không đưa hàng hóa từ phía Bắc vào các tỉnh phía Nam? Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt”, ông nói.

Theo ông Ngân, chưa có TPP chúng ta vẫn có quan hệ thương mại, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên tới trên 20%. “Ông Trump có thể dừng TPP, nhưng là một nhà kinh doanh, nếu thấy đây là một lợi thế, thấy tạm dừng bất lợi, ông ấy sẽ lại xúc tiến. Hiện 11 nước còn lại đang xúc tiến dần, nếu biết đó là lợi thế của quốc gia, ông Trump sẽ phải suy nghĩ lại. Tôi phán đoán việc dừng TPP nếu có cũng chỉ là tạm thời thôi”, chuyên gia này phân tích.

Theo ông, lợi thế TPP lớn nhất của Việt Nam là ngành may mặc, nhưng ngành này của ta lại là may mặc gia công. Như vậy việc tạm dừng lại là cơ hội để ngành may mặc chủ động được nguồn nguyên liệu, như trồng sợi thế nào để phục vụ ngành may mặc tốt hơn.

MỚI - NÓNG