Cái kết của một thương hiệu tỷ USD

TPO - Là một thương hiệu đã qua thời đỉnh cao, sự trở lại của "Đấu trường sinh tử" sau 10 năm vắng bóng với phần tiền truyện nhạt nhòa, khó lòng vượt qua cái bóng quá lớn của bốn phần phim gốc.
Cái kết của một thương hiệu tỷ USD ảnh 1

Thương hiệu tỷ USD một thời Đấu trường sinh tử trở lại với phần tiền truyện kể về kẻ phản diện Coriolanus Snow.

Đấu trường sinh tử: Khúc hát của chim ca và rắn độc (tựa gốc: The Hunger Games: The Ballad of Songbirds and Snakes) là phần tiền truyện của thương hiệu Đấu trường sinh tử (The Hunger Games), được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết cùng tên, từng gây sốt trên toàn thế giới hơn 10 năm trước.

Nhưng nếu 10 năm trước chứng kiến thời đỉnh cao của thể loại phim đấu tranh - sinh tồn thì đến hiện tại, thể loại này đã không còn được khán giả ưa chuộng. Sự xuất hiện của phần tiền truyện có thể gây bất ngờ với một số người và được cộng đồng fan của loạt phim gốc hưởng ứng nhiệt tình nhưng nhìn chung, thế giới trong Đấu trường sinh tử đã không còn có thể đem đến sự hứng thú mới mẻ như thời kỳ đầu.

Khúc hát của chim ca và rắn độc kể về thời niên thiếu của Coriolanus Snow (Tom Blyth) – kẻ phản diện chính trong của loạt phim gốc, đưa người xem quay về thời những năm đầu của Đấu trường sinh tử, khi đó còn rất sơ khai. Thay vì lặp lại mô-típ đấu tranh – sinh tồn trước đây, phim đã chọn bám theo hành trình phát triển của nhân vật Snow, từ đó lý giải nguồn gốc sự tàn bạo về sau của Đấu trường sinh tử mà chúng ta đã được biết.

Cái kết của một thương hiệu tỷ USD ảnh 2

Phần tiền truyện giới thiệu những gương mặt đã đặt nền móng cho Đấu trường sinh tử.

Phần lớn thời lượng phim xoay quanh sự kiện Đấu trường sinh tử lần thứ 10. Sự kiện này đánh dấu lần đầu người chơi có sự đồng hành của những cố vấn, là những học viên ưu tú tại học viện xứ Panem, trong đó có Snow. Vai trò của cố vấn không chỉ là giúp người chơi chiến thắng tại đấu trường mà còn phải lăng xê họ trở thành ngôi sao để hút view cho chương trình.

Qua hình ảnh cố vấn, Đấu trường sinh tử tiếp tục phản ánh mặt trái của việc sử dụng phương tiện truyền thông để áp chế tinh thần của số đông, là công cụ để giới quan chức áp đặt quyền kiểm soát lên người dân, còn người giàu lợi dụng điều đó để củng cổ sự phân chia giai cấp. Không chỉ là cuộc chiến sinh tồn, Đấu trường sinh tử từ lâu đã là cuộc đấu tranh chống lại “chủ nghĩa giật gân” trên các phương tiện truyền thông.

Cái kết của một thương hiệu tỷ USD ảnh 3

Kép chính của phim: Coriolanus Snow (Tom Blyth) và Lucy Grey (Rachel Zegler).

Người chơi được giao cho Snow quản lý là Lucy Grey (Rachel Zegler), một ca sĩ đến từ quận 12. Trong lễ chiêu quân, cô đã cất lên giọng hát thể hiện cảm xúc phẫn uất làm cho những ai theo dõi buổi lễ đều phải rung động. Ngay từ ấn tượng đầu tiên, Snow đã có tình cảm đặc biệt dành cho Lucy Grey.

Quá trình đồng hành với Lucy Grey đã đem đến cho Snow nhiều góc nhìn mới trong cuộc sống, dần giải thoát anh khỏi gánh nặng của tham vọng. Tuy nhiên trong thế giới tàn nhẫn của Đấu trường sinh tử, lựa chọn rời đi luôn kéo theo những hệ luỵ nặng nề đến với người thân, gia đình. Cuộc giằng xé nội tâm giữa lựa chọn đi hay ở đã dần ăn mòn Snow, góp phần tạo nên tính cách của một gã bạo chúa về sau.

Được thủ vai trọn vẹn bởi diễn viên Tom Blyth, Snow là nhân vật có chiều sâu nội tâm, có khả năng toan tính xảo quyệt. Chỉ tiếc đội ngũ biên kịch phim đã không thể tìm ra một hoàn cảnh thật phù hợp để nhân vật này được bung tỏa tố chất một cách trực diện và ngắn gọn hơn.

Trong khi đó, nữ chính Lucy Grey lại là nhân quá mờ nhạt, được giới thiệu vội vã, cất lên giọng hát trong những tình huống gượng gạo, tham gia cuộc chơi khắc nghiệt và vượt qua một cách chóng vánh, thiếu thuyết phục. Tuy đã có màn thể hiện tương đối tốt ở chương cuối nhưng nhìn chung Lucy Grey chỉ như một phiên bản sơ khai của Katniss Everdeen, nữ chính của phần phim gốc.

Cái kết của một thương hiệu tỷ USD ảnh 4

Nhân vật Lucy Grey là điểm yếu lớn của phim.

Đấu trường sinh tử: Khúc hát của chim ca và rắn độc được chia thành ba chương, mỗi chương là thời kỳ trong cuộc đời của Snow. Tuy là câu chuyện trải dài, có nhiều chi tiết nhưng phim thiếu đi một phần cao trào để làm thỏa mãn người xem. Điều khán giả chờ đợi là Đấu trường sinh tử lần thứ 10 lại diễn ra quá nhanh, quá đơn giản, không có yếu tố hồi hộp.

Phần lớn các bài phê bình quốc tế đều cho rằng phim "nhồi nhét quá nhiều câu chuyện, thiếu đà ở màn cuối và quá dài". Khán giả chưng hửng khi câu chuyện về Đấu trường sinh tử lần thứ 10, những tưởng là mạch chính của phim, thực chất chỉ vỏn vẹn 1/3 thời lượng.

Cái kết của một thương hiệu tỷ USD ảnh 5

Điều khán giả chờ đợi là Đấu trường sinh tử lần thứ 10 lại diễn ra quá chóng vánh.

Cốt truyện của Đấu trường sinh tử tiền truyện kéo dài quá mức cần thiết chỉ để giới thiệu về một nhân vật không quá nổi trội và một thế giới mà ai cũng đã biết. Dù chất lượng không hề tệ, tiền truyện của Đấu trường sinh tử hoàn toàn có thể coi là thất bại khi đã không thể tạo ra một điều gì đó mới mẻ vượt qua cái bóng của bốn phần phim gốc.

Tin liên quan