Theo Công an TP Hà Nội, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép.
Hiện, Công an TP Hà Nội đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép và đây là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.
Trước đó, ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021 và thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định137 quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì được phép sử dụng pháo hoa tại Điều 17. Tuy nhiên, một số người dân đang có sự nhầm lẫn, chưa phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.
Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.”
Như vậy, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.