Cách ly vẫn là cái “án treo” lởn vởn trước mặt mọi người. Ở tầm quốc gia, chúng ta cũng đang cách ly rồi. Cho dù bạn chưa thuộc diện cách ly, bạn cũng không thể xách ba-lô lên mà phượt được nữa, ra đầu phố ăn bát phở còn khó nữa là. Nhiều hàng quán chưa biết bao giờ mới mở lại.
Tầm này chắc phải quý nhau, thân nhau đồng nghĩa với tin nhau ở một mức nào đấy mới gặp bằng xương bằng thịt. Trong khi trước đây người ta cũng chẳng quý trọng những dịp như vậy cho lắm, bởi luôn nghĩ lúc nào gặp chả được. Một lúc nào đấy rảnh. Mà rảnh là một cảm giác đã từ lâu trở nên hiếm hoi đối với nhiều người. Từ có mạng cùng điện thoại thông minh, laptop hay Ipad… chúng ta dường như chăm cách ly với người thật hơn.
Từ lâu, con người đã tự tách mình khỏi giới tự nhiên, theo quan điểm càng xa càng tốt. Đó chính là động lực để xe ngựa, xe bò… “tiến hóa” thành ô tô, máy bay. Những đô thị càng văn minh, hiện đại càng vắng bóng cây xanh và nước mưa từ lâu đã không còn cơ hội ngấm trực tiếp xuống đất. Con người ở chồng lên nhau tùy theo mức độ phát triển của công nghệ xây dựng trong một tình trạng thực ra là khá mong manh. Cứ ở tầng 20 đổ lên, mất điện một cái mà lại có việc gấp phải xuống tầng một là biết tay nhau liền. Tôi thấy mỗi lần đi thang máy cũng như… chơi xổ số mà không ai muốn lĩnh “giải độc đắc(!)”. Rồi mỗi tòa nhà là một vùng tiểu khí hậu lại càng khiến dân tình muốn được hưởng sự cách ly mát lịm khi trời nắng nóng. Mặc kệ cho biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính… vần vũ bên ngoài. Chung một bầu không khí cho nên khi dịch bệnh xảy tới lại phải cách ly cả tòa nhà. Như thể Covid-19 chỉ hành chính hóa sự cách ly con người tự tạo cho mình trước đó.
Phổ biến sự cách ly giữa người với người dựa trên những sự khác biệt về chủng tộc, mức độ giàu nghèo, niềm tin chính trị hoặc tôn giáo… Mùa Covid-19 làm lộ ra những niềm tin quá sức “độc đáo” như rủ nhau uống nước tiểu bò hoặc đằm mình trong phân bò để phòng ngừa Covid-19 ở Ấn Độ. Hy vọng “khí dung” phân bò bốc lên đủ làm virus chết ngạt(?). Một số người dường như cho rằng họ sẽ được virus kiêng nể vì có đạo, lại còn tập trung cầu nguyện. Nhưng thực tế chính những cuộc đại cầu nguyện tập hợp tín đồ nhiều nước như đã diễn ra ở Hàn Quốc, Malaysia… lại là nguồn lan truyền virus khủng nhất.
Khác nào một tín đồ cầu khẩn: “Xin Chúa hãy cứu con thoát khỏi dịch bệnh!” Được nhắc đeo khẩu trang, rửa tay, không tụ họp… thì anh ta nói Chúa sẽ bảo vệ tôi. Rồi các nhân viên đến yêu cầu anh ta cách ly, anh ta bảo không, đã có Chúa lo cả rồi. Sau đó các bác sĩ đến, anh ta cũng nói không, Chúa chữa cho tôi… Rồi anh ta lên Thiên Đường và trách Chúa không cứu độ. Chúa trả lời: “Thì chính ta đã gửi đội cứu hộ, y bác sĩ, khẩu trang, xà phòng… đến cho ngươi đấy thôi!” Đây là tôi phóng tác từ truyện ngụ ngôn về một vị mục sư trèo lên nóc nhà thờ tránh lũ, đợi mãi không thấy Chúa hiện ra cứu mình...
Nhưng thực tế mới là thứ mà chúng ta chịu không tưởng tượng ra được. Mới đây một clip từ trang Facebook của một võ sư kiêm pháp sư nổi tiếng đang được lan tỏa, ghi lại lễ “quy hồi ôn dịch” hồi đầu tháng Ba, kêu gọi “nguyên thần Corona-NcoV” hãy chấp hành “đạo lý Thiên Địa” mà hồi hương không được quấy phá nhân dân Việt Nam và thế giới. Chủ tế mặc áo đỏ, khoác khăn xanh da trời, quỳ trước ban thờ, cầm tờ sớ to, khấn dõng dạc. Trích một đoạn ngắn: “Hôm nay thầy có chuẩn bị cháo đỗ xanh, hoa hồng, hoa ly và hoa quả. Thầy cũng chuẩn bị 99 phi thuyền hình dáng của con có đủ ngũ sắc để con quay lại Vũ Hán, Trung Quốc- nơi mà con được sinh ra. Chỉ ở đó các con sẽ tìm được câu trả lời đúng nhất(!)”. Quanh chủ tế có nhiều người quỳ và chắp tay nhưng không đeo khẩu trang. Đúng là “có bệnh thì vái tứ phương”, đại dịch toàn cầu cơ mà!
Biểu tượng của cách ly cấp độ nhân loại đang dồn cả vào chiếc khẩu trang nhỏ bé, thứ từng khiến tôi e sợ trước đây. Nó khác nào lá cờ trắng ta giương lên đầu hàng môi trường xung quanh. Nhưng khi vừa “thích nghi” với nó, tôi đã lại phải làm quen với đồ bảo hộ, thứ mà y bác sĩ và những người ở tuyến đầu phòng, chống Covid-19 đang mặc. Thậm chí giờ đây dân thường khi đi máy bay cũng diện luôn bộ áo liền quần này. Dù họ mặc chủ yếu theo kiểu cho có, chưa chú ý phát huy triệt để công dụng cách ly của bộ đồ. Nó đang là mặt hàng bán chạy, hy vọng chỉ trong thời gian này. Nhưng ai mà biết được. Có nhiều thứ nhân loại sẽ còn phải làm quen, nếu cứ tiếp tục phát huy đẳng cấp cách ly của mình với muôn loài, với tự nhiên…
Không chừng có ngày con người buộc phải khoác lên mình bộ đồ phi hành gia ngay khi bước đi trên trái đất này.
Cách ly
TP - Hiện thế giới hiện tạm chia ra hai loại người. Loại bị/được cách ly và loại chưa bị/được cách ly.
MỚI - NÓNG
Báo Tiền Phong thành lập văn phòng đại diện Bắc Trung Bộ
TPO - Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Bắc Trung Bộ đặt tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) có nhiệm vụ công tác báo chí tuyên truyền tại 5 tỉnh gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Lựa thủy triều để bàn giao lồng bè cho phía Trung Quốc bị bão Yagi đánh bay
TPO - Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương. Trong đó có TP Đông Hưng (Trung Quốc) bị đánh bay nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản và trôi dạt sang biển Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam).
Hé lộ lý do Nga tạm dừng tấn công tên lửa Ukraine
TPO - Trong những tuần gần đây, Nga đã tạm dừng các cuộc tấn công Ukraine bằng tên lửa và thay vào đó là máy bay không người lái (UAV). Các cuộc tấn công UAV được cho là diễn ra thường xuyên với quy mô lớn.