Tăng huyết áp là gì?
Người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp động mạch hoặc tăng huyết áp khi huyết áp tối đa trên 140 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu trên 90 mmHg.
Huyết áp tối đa được gọi là huyết áp tâm thu, đo áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp. Huyết áp tối thiểu được gọi là huyết áp tâm trương, thể hiện áp lực trong lòng động mạch khi tim nghỉ giữa mỗi lần đập.
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 25 - 30% người trưởng thành ở phương Tây, cũng như ở Việt Nam. Tăng huyết áp thường ít gặp ở người dưới 40 tuổi. Trong độ tuổi từ 45-54 tuổi, khoảng 1/3 nam giới và 1/4 nữ giới bị tăng huyết áp; trên 75 tuổi, khoảng 2/3 nam giới và hơn 3/4 phụ nữ bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp thường không được phát hiện, nhất là khi các chỉ số huyết áp không quá cao. Chỉ số huyết áp tăng cao có thể dẫn đến nhức đầu, chóng mặt hoặc đánh trống ngực không rõ nguyên nhân.
Đây là một bệnh mãn tính và là một vấn đề về sức khỏe cộng đồng quan trọng đối với các quốc gia trên toàn thế giới.
Tại sao tăng huyết áp lại nguy hiểm, nhất là khi tôi không có triệu chứng?
Khi các mạch máu và tim bị quá tải do áp lực gia tăng, tim và thành các động mạch có thể dày lên và cứng lại, gây ra tình trạng gọi là xơ cứng động mạch. Do đó, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, cơn thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ, suy tim, bệnh động mạch ngoại biên, suy thận, tổn thương mắt và chứng sa sút trí tuệ.
Vì tăng huyết áp thường không có biểu hiện trong thời gian dài nên nó có khả năng gây ra tất cả những biến chứng nguy hiểm kể trên. Đây là lý do vì sao tăng huyết áp được gọi là "kẻ giết người thầm lặng", nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp và kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Ổn định huyết áp bằng cách thay đổi lối sống và/hoặc dùng thuốc giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nói trên. Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt và giúp người bệnh sống khỏe mạnh.
Tăng huyết áp được chẩn đoán ra sao?
Để chẩn đoán, bác sĩ cần đo huyết áp của người bệnh ba lần vào các thời điểm khác nhau.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hiện nay là hệ thống theo dõi huyết áp lưu động 24h (ABPM), một thiết bị nhỏ đo huyết áp ngay cả khi người bệnh di chuyển. Máy thường được đeo trong 24 giờ, tự động đo huyết áp 30 phút/lần vào ban ngày và 60 phút/lần ban đêm. Dựa vào kết quả đo, bác sĩ chuyên khoa Tim Mạch sẽ đưa ra chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp nếu cần thiết.
Trong quá trình điều trị dùng thuốc ổn định huyết áp, bệnh nhân có thể tự theo dõi huyết áphàng ngày tại nhà bằng máy đo huyết áp cá nhân.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Có 90% các trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, được gọi là tăng huyết áp vô căn. Huyết áp trong lòng động mạch phụ thuộc vào sức cản của hệ thống mạch máu và sự co bóp của tim để bơm và đẩy máu qua các hệ thống mạch máu. Vì vậy, nếu hẹp nhẹ động mạch cũng làm tăng lực cản đối với việc lưu thông máu, từ đó gây tăng huyết áp; tuy nhiên nguyên nhân của hẹp động mạch chưa được xác định rõ ràng.
Trong 10% các trường hợp còn lại, tăng huyết áp là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Ví dụ như hẹp động mạch chủ và hẹp mach thận, u tuyến thượng thận, bệnh thận mãn tính và những bệnh lý khác. Trong một số trường hợp, thuốc dùng điều trị các bệnh lý khác cũng có thể gây tăng huyết áp.
Tăng huyết áp thường gặp hơn ở những người như: Người bị tiểu đường tuýp 1 và 2, phổ biến ở những người bị tiểu đường tuýp 2; người có tiền sử gia đình về tăng huyết áp; Người có các yếu tố lối sống không lành mạnh, như thừa cân, ăn mặn, ít tập thể dục, uống nhiều bia rượu và đồ có cồn, bị căng thẳng.
Điều trị
Cách được khuyên dùng đầu tiên là thay đổi lối sống, như giảm số cân thừa có thể làm thay đổi tình trạng này một cách đáng kể. Huyết áp sẽ hạ dần theo mỗi cân giảm được. Hoạt động thể chất năm ngày hoặc nhiều hơn mỗi tuần, ít nhất 30 phút/ngày, như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hay khiêu vũ… Ăn uống lành mạnh, liểm soát lượng muối và bia rượu tiêu thụ, nỏ hút thuốc lá.
Với thuốc, bác sĩ thường kê đơn thuốc cho những trường hợp, như: Những bệnh nhân có huyết áp từ 160/100 mmHg trở lên sau khi đã thử thay đổi lối sống. Những bệnh nhân có huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên sau khi thử thay đổi lối sống và người có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch trong thời gian 10 năm.
Có nhiều loại thuốc huyết áp trên thị trường và bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp nhất dựa vào tình trạng, độ tuổi và lối sống của bệnh nhân.
Cũng giống như nhiều bệnh lý khác, phòng ngừa là cách điều trị tốt nhất. Để phát hiện tăng huyết áp ở giai đoạn sớm, hãy kiểm tra huyết áp hàng năm nếu bạn trên 40 tuổi. Những người có tiền sử gia đình về tăng huyết áp hoặc những người có nhiều nguy cơ ở trên (như mắc bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc hút thuốc lá) nên bắt đầu kiểm tra huyết áp ở tuổi 35.
Bác sĩ George Cloatre là bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch và bác sĩ Ngô Chí Hiếu là bác sĩ tim mạch can thiệp. Họ cùng nhau mang đến cho quý khách hàng kiến thức cập nhật về việc phòng bệnh, điều trị nội khoa và điều trị can thiệp cho các bệnh lý về tim mạch.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về tăng huyết áp hoặc muốn đặt hẹn khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số: 84-24.35771100, truy cập trang web: www.hfh.com.vn hoặc gửi email tới hòm thư điện tử: contact@hfh.com.vn. Địa chỉ: Số 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.