Các Trung tâm Y tế quận ở Hà Nội: Hiệu quả đến đâu?

Nhà hộ sinh A thuộc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm trên đường Ngô Quyền. Ảnh: Trường Phong.
Nhà hộ sinh A thuộc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm trên đường Ngô Quyền. Ảnh: Trường Phong.
TP - Được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, bộ máy với đầy đủ ban bệ, lại nằm ở các vị trí “đất vàng” của các quận trung tâm Hà Nội, nhưng hoạt động của các Trung tâm y tế tại quận hiệu quả đến đâu vẫn chưa rõ. Thậm chí, Hà Nội đang tính chuyện sẽ không phát triển các trạm y tế gần các bệnh viện lớn.

Đìu hiu các Trung tâm y tế, nhà hộ sinh

Có mặt tại nhà hộ sinh Đống Đa ở ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa), một trong bốn nhà hộ sinh của khu vực các quận nội đô của Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, dù được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ phòng cấp cứu, siêu âm, khám phụ khoa…, nhưng vắng tanh không một bóng bệnh nhân. Theo lời một nhân viên y tế ở đây, bình thường cũng có khá nhiều người đến khám thai, phụ khoa nhưng hôm nay, có thể do trời mưa, nên lượng người ít. Tương tự nhà hộ sinh A nằm ở mặt phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm) cũng trong tình trạng tương tự. Các nhân viên y tế luôn trong tình cảnh “ngồi chơi xơi nước” vì có ít bệnh nhân.

Cảnh đìu hiu ở các nhà hộ sinh là vậy, các Trung tâm Y tế ở nội đô cũng không mấy khả quan. Nhóm phóng viên Tiền Phong khảo sát tại phòng khám đa khoa Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm số 26 Lương Ngọc Quyến. Trụ sở trung tâm khá lớn, có rất nhiều danh mục thăm khám, chữa bệnh, tuy nhiên không có nhiều bệnh nhân. Ở bàn đón tiếp và khu vực ngồi chờ chỉ vỏn vẹn 4-5 người, trong đó phần nhiều là người già đến khám bằng bảo hiểm y tế. Gần đó, khu vực trị liệu đông y có một vài người bên trong phòng.

Nhóm phóng viên cũng đến liên hệ làm việc với các Trung tâm Y tế quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng…, nhưng không gặp được lãnh đạo vì các lý do “bận họp, bận đi công tác”.

Theo thông tin từ văn bản cung cấp thông tin cho phóng viên báo Tiền Phong, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, có Giám đốc và 2 Phó Giám đốc, 3 phòng chức năng. “Trong những năm gần đây số lượng người đăng ký thẻ Bảo hiểm Y tế cũng như số lượt người có thẻ tăng lên rõ rệt. 

Từ khoảng 26.000 thẻ năm 2010 tăng lên gần 70.000 thẻ năm 2015, số lượt khám chữa bệnh có thẻ tăng từ 36.165 lượt năm 2010 lên 58.924 năm 2015”, văn bản nêu rõ. Tuy nhiên, sáng 5/7 theo ghi nhận của phóng viên tại phòng khám đa khoa trực thuộc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng trên đường Bà Triệu từ 9h đến 11h nhưng chỉ có khoảng gần chục bệnh nhân thăm khám.

Đến khoảng 11h, nhiều bác sĩ đã rảnh rỗi, ngồi sử dụng điện thoại, nói chuyện với nhau. Bà Nguyễn Thị T., nhà ở phố Bà Triệu chia sẻ, Trung tâm Y tế hoạt động không hiệu quả, nhưng vì bà muốn điều trị ở viện tuyến trên nên phải qua Trung tâm thăm khám. “Nhiều khi cũng phải điều trị ở Trung tâm vài ngày, họ đồng ý chuyển thì mới được chuyển”, bà T. nói.

Có nên đầu tư?

Tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành thành phố Hà Nội mới đây, ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm đề nghị thành phố nên có chủ trương để Sở Y tế bàn giao Trung tâm Y tế cho quận. Theo ông Khôi, hiện Trung tâm Y tế chức năng chính là dự phòng và gắn với các Trạm y tế cấp phường, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở từng phường. 

Việc đầu tư do phường, quận lo. Ở đây có vấn đề, nếu muốn xây dựng phường chuẩn y tế thì phải xây dựng trạm y tế đạt chuẩn: “Theo tôi, nên giao Trung tâm Y tế về quận để tập trung đầu tư sẽ tốt hơn. Quận đã dành hơn nghìn mét vuông ở số 26 phố Lương Ngọc Quyến từ hơn chục năm nay cho Trung tâm Y tế, bỏ hẳn một trường học cho Trung tâm Y tế mà vẫn “phọt phẹt”, mãi không xây được”, ông Khôi nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố đang bàn với Bộ Y tế, nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ theo hướng sáp nhập Trung tâm Y tế với Y tế dự phòng và Dân số kế hoạch hóa gia đình làm một.

 “Đề nghị các quận, huyện rà soát lại các Trạm y tế xem hoạt động có hiệu quả hay không. Những Trạm y tế nào gần khu vực các bệnh viện, không nên phát triển. Trung tâm y tế của quận Hoàn Kiếm, xung quanh có rất nhiều bệnh viện T.Ư thì nên tính toán xem có nên phát triển không và giải quyết gì cho người dân. Nếu trang bị tốn kém, năng lực y tá, bác sĩ không đảm bảo thì người ta vào Việt Đức, Xanh Pôn… chứ vào trung tâm làm gì?”, ông Chung đặt
câu hỏi.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trước đây hầu hết người dân vẫn sinh đẻ ở các trạm y tế, nhà hộ sinh thuộc quận nhưng hiện nay đã ít đi. Các trạm y tế thuộc các phường, quận nội thành Hà Nội chủ yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản và kế hoạch hoá gia đình.

Đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả riêng lẻ của các hoạt động hỗ trợ sinh sản của trạm y tế xã mà chỉ đánh giá theo tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã phường.

“Trung tâm y tế vắng có nhiều nguyên nhân trong đó các trung tâm y tế quận gần các bệnh viện lớn, tâm lý bệnh nhân cũng muốn vào bệnh viện lớn hơn. Tuy vắng vẻ nhưng thực tế cũng có nhiều trạm y tế xã vẫn đang hoạt động rất hiệu quả”, vị cán bộ nói.

MỚI - NÓNG