Các kiểu lãng phí vì quy hoạch

Người dân xem quy hoạch hệ thống đô thị, sử dụng đất và giao thông khu vực Vùng Thủ đô. Ảnh: L.H.V
Người dân xem quy hoạch hệ thống đô thị, sử dụng đất và giao thông khu vực Vùng Thủ đô. Ảnh: L.H.V
TP - Tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 27/5, GS.TS Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT) cho biết: Thời gian qua chúng ta đã làm quá nhiều quy hoạch. Từ quy hoạch chung quốc gia tới các quy hoạch vùng, tỉnh, huyện, ngành nghề… “Nhưng có tới 70-80% số đó không được sử dụng”, GS Nguyễn Mại nói.

Ông dẫn chứng, quy hoạch phát triển ngành than tại Quảng Ninh được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt năm 2001, với 3 mục tiêu: Giảm sản xuất than để Quảng Ninh phát triển du lịch; giảm than xuất khẩu tới 2010 còn 3 triệu tấn (nhưng thực tế tới 2010 xuất khẩu tới 15 triệu tấn); dùng than sản xuất năng lượng nhằm giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Quy hoạch rất hay, nhưng không ai thực hiện, các mục tiêu đề ra không đạt được. Đây không phải ví dụ điển hình, mà rất phổ biến: Quy hoạch xong trình phê duyệt rồi bỏ tủ, không ai quan tâm tới. Chúng ta không nên tiếp tục lãng phí công sức, tiền của vào lập những cái như vậy”, GS Mại nói.

GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho rằng, quy hoạch hiện chưa đạt được vai trò dẫn đường cho phát triển (kể cả quy hoạch đô thị), phát triển có xu hướng tự phát nhiều hơn.

Do đó, quy hoạch thường được điều chỉnh để các quyết định không vi phạm quy hoạch. “Vừa rồi Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá về quản trị trong quản lý đất đai tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam rất kém về quy hoạch sử dụng đất, chưa dẫn đường cho phát triển. Phát triển tự phát tới đâu nắn quy hoạch theo tới đấy”, GS Võ nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đều thống nhất, không thể để tình trạng quy hoạch thừa lại thiếu, chồng chéo, gây lãng phí.

MỚI - NÓNG