“Không thể quy hoạch”, đó là nhận định của Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, ông Phan Trọng Hổ. Vụ đông xuân toàn tỉnh Bình Định có khoảng 2.000 ha trồng dưa hấu, tập trung trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Mỹ, Tây Sơn... Tuy nhiên, người dân canh tác hoàn toàn theo kiểu tự phát, du canh. Nhiều nơi, người ngoài tỉnh đến thuê đất mì (sắn) để trồng dưa. Hết vụ, họ di chuyển đến vị trí khác.
“Từ lâu cây dưa hấu không thuộc cơ cấu cây trồng chính, và không quy hoạch. Có quy hoạch người dân cũng không nghe, bởi tập tính canh tác loại cây này theo thời vụ, không cố định”, ông Hổ nói. Năng suất dưa đạt 25-30 tấn/ha, nhưng giá dưa hạ còn trên dưới 1.000 đồng/kg. Năm nào, ngành chức năng cũng khuyến cáo, nhưng nông dân ồ ạt gieo trồng theo phong trào.
“Từ lâu cây dưa hấu không thuộc cơ cấu cây trồng chính, và không quy hoạch. Có quy hoạch người dân cũng không nghe, bởi tập tính canh tác loại cây này theo thời vụ, không cố định”.
Ông Phan Trọng Hổ
Ông Đào Minh Hường, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cũng thừa nhận: Từ trước đến nay ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo trồng đậu phụng, bắp lai, mía, sắn và một số rau cao cấp, chứ dưa hấu thì không đưa vào diện quy hoạch, cơ cấu cây trồng chính.
Tại Quảng Ngãi, mỗi vụ dưa chiếm 500-600ha, luân canh mỗi năm có đến 1.500 ha dưa. So với những năm gần đây diện tích này không tăng giảm. Khảo sát mới đây, nhiều diện tích đất phù sa vốn trồng dưa được người dân chuyển sang trồng sắn, nhưng nhiều hộ khác lại mở rộng diện tích dưa.
Theo ông Lê Muộn, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam, diện tích đất trồng dưa toàn tỉnh mỗi vụ trung bình đạt 1.200-1.500ha. Rút kinh nghiệm nhiều năm, người dân có bước tính toán để rải vụ, giãn cách thời gian thu hoạch. Năm ngoái, thời điểm này mới đầu vụ dưa, nhưng năm nay đã vào cuối vụ thu hoạch. Tuy nhiên, dưa vẫn bị ùn ứ, khó tiêu thụ, rớt giá từng ngày.
Ông Phan Trọng Hổ cho rằng, dưa đúng chất lượng phải bán ở mức 15-20 ngàn đồng/kg người dân mới có lời, chứ đừng nói vài ba ngàn. Cái chính là thị trường đầu ra không ổn định, tiêu thụ dưa vẫn qua đường tiểu ngạch với tư thương Trung Quốc nên tình trạng lũng đoạn, ép giá dễ xảy ra.
Tại Quảng Ngãi, ngành Nông nghiệp đôn đáo kết nối đầu ra, nhưng tìm “đỏ mắt” không có doanh nghiệp nào đăng ký bao tiêu dưa hấu. Bởi vậy, xuất khẩu dưa vẫn theo kiểu “buôn chuyến” chứ không có một hợp đồng nào cụ thể giữa người bán kẻ mua.