Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi đe dọa thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phiến quân Houthi ở Yemen đang gia tăng tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ vì cuộc xung đột giữa Israel-Hamas, làm dấy lên lo ngại về tác động lên hoạt động vận chuyển dầu mỏ, ngũ cốc và hàng tiêu dùng qua huyết mạch thương mại toàn cầu.
Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi đe dọa thương mại toàn cầu ảnh 1
Trực thăng quân sự của Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ ngày 20/11. (Ảnh: Houthi Military Media)

Các tàu liên quan đến Israel trở thành mục tiêu của Houthi. Nhưng không dừng lại ở đó, trong tuần này một tàu chở dầu treo cờ Na Uy bị tấn công và tên lửa bắn về phía một tàu chở nhiên liệu máy bay di chuyển theo hướng Kênh đào Suez, nơi khoảng 10% hàng hoá thương mại của thế giới đi qua.

Được Iran hậu thuẫn, Houthi từ thành trì ở phía bắc đã tràn xuống chiếm thủ đô Sanaa của Yemen năm 2014, phát động một cuộc chiến quyết liệt chống lại liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu nhằm khôi phục chính phủ ở đây.

Houthi thỉnh thoảng tấn công các tàu đi qua khu vực, nhưng tần suất tấn công gia tăng kể từ khi nổ ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.

Houthi sử dụng máy bay không người lái và tên lửa chống hạm để tấn công các tàu, thậm chí dùng trực thăng để khống chế một con tàu thuộc sở hữu của Israel và các thuyền viên.

Trong những ngày gần đây, Houthi đe dọa tấn công bất kỳ tàu nào mà họ tin là đến hoặc đến từ Israel.

Ngày 13/12, Văn phòng chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết: “Nhiều cuộc tấn công bắt nguồn từ lãnh thổ do Houthi kiểm soát ở Yemen đang đe dọa an ninh hàng hải quốc tế, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Sự can thiệp của Houthi vào quyền tự do hàng hải ở vùng biển xung quanh Bán đảo Ả Rập, đặc biệt là Biển Đỏ, là không thể chấp nhận được”.

Vai trò quan trọng của Biển Đỏ

Biển Đỏ kết thúc tại kênh đào Suez ở phía bắc và eo biển Bab el-Mandeb ở phía nam, dẫn vào Vịnh Aden. Đây là tuyến đường biển tấp nập tàu bè qua kênh đào Suez để vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu.

John Stawpert, giám đốc cấp cao về môi trường và thương mại của Phòng Thương mại vận tải quốc tế, cho biết một lượng lớn nhiên liệu cung cấp cho châu Âu, như dầu và diesel, đi qua tuyến đường biển này, cùng với nhiều loại thực phẩm như dầu cọ và ngũ cốc.

Noam Raydan, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, cho biết một số tàu có quan hệ với Israel đã chuyển sang đi tuyến dài hơn quanh châu Phi và Mũi Hảo Vọng, khiến thời gian di chuyển kéo dài thêm 19-31 ngày.

Tác động trực tiếp lớn nhất của tình trạng leo thang là chi phí bảo hiểm tăng lên.

David Osler, biên tập viên về bảo hiểm của hãng phân tích hàng hải Lloyd's List Intelligence, cho biết chi phí bảo hiểm đã tăng gấp đôi đối với các tàu đi qua Biển Đỏ, khiến những con tàu giá trị lớn phải tốn thêm hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Đối với các chủ tàu Israel, chi phí bảo hiểm tăng tới 250%, thậm chí các công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm cho những tàu này.

Houthi có thể không phong toả được Biển Đỏ vì họ không có các tàu chiến hải quân, mà chỉ dùng hoả lực để quấy rối. Trong khi đó, các tàu chiến của Mỹ, Pháp và liên minh tuần tra khu vực vẫn đang canh giữ ở đây.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công như vậy gây lo ngại lớn trong ngành vận tải biển.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.