Đại biểu Đỗ Văn Đương nói: Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người Quốc hội đang xem xét cũng không khác gì nhiều lắm và cơ bản tương thích với pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, để rõ hơn, như Tờ trình của Chính phủ nêu rõ cần phải sửa một số Luật, nhất là Bộ Luật hình sự, Luật Tố tụng hình sự và những quy định về tạm giữ, tạm giam người phạm tội, bị can.
Nói tóm lại, những vấn đề liên quan trực tiếp việc hạn chế quyền con người phải được quy định rõ hơn về khái niệm, nội dung, để sau này có cơ sở pháp lý nhằm xử lý người có trách nhiệm đối với những hành vi bức cung, nhục hình, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Đồng thời, tạo điều kiện cho nhận thức trong các lực lượng liên quan những công tác này phải tôn trọng tính mạng, danh dự, nhân phẩm, không có những hành vi nhục hình.
Việc phê chuẩn Công ước là cần thiết, phù hợp xu hướng chung và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cũng như những người liên quan công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phải tôn trọng những quyền của người phạm tội không bị pháp luật tước bỏ như tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm.
Việc giam giữ phải bảo đảm các chế độ về ăn ở, sinh hoạt và chế độ khác của người bị giam giữ mà pháp luật không hạn chế.
Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cho thấy, việc giam giữ người phạm tội trong các nhà tạm giam, tạm giữ hiện nay ra sao?
Việc tạm giữ, tạm giam hiện nay cơ bản bảo đảm an toàn và chế độ tương đối bảo đảm. Cơm ăn, nước uống của người bị giam giữ, theo chúng tôi quan sát, đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ khẩu phần ăn.
Ban quản lý các trại tạm giam, tạm giữ đã tạo điều kiện cho người bị giam giữ tăng gia, lao động sản xuất lấy thực phẩm cải thiện. Còn về chế độ ăn uống là tốt. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng nhà nước vẫn quan tâm đến chế độ của phạm nhân và họ luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt.
Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng các cơ sở giam giữ của chúng ta vẫn có tình trạng quá tải. Nhiều năm nay, việc quy định 2 mét vuông/chỗ nằm vẫn chưa đảm bảo được.
Một vấn đề khác làm quá tải nhà giam giữ là tội phạm ma túy phát sinh nhiều. Từ ma túy dẫn đến trộm cắp, cướp…, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải các khu vực tạm giam, tạm giữ.
Ở góc độ Tư pháp, chúng tôi đã kiến nghị có lộ trình nâng cấp cải tạo xây dựng mới cơ sở hạ tầng nơi giam giữ, đảm bảo diện tích chỗ nằm.
Có ý kiến tình trạng quá tải trong các nhà tạm giam, tạm giữ là do có việc tội phạm chưa đến mức phải tạm giam, tạm giữ đã thực hiện công tác này?
Có một số trường hợp như vậy và chúng tôi đã kiến nghị những trường hợp không cần thiết phải tạm giam, thì không thực hiện việc này và áp dụng bằng các biện pháp khác như cho bảo lãnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tuy nhiên, trên thực tế rất khó như loại tội phạm ít nghiêm trọng từ 2 năm tù trở xuống, nhưng lại trộm cắp vặt suốt ngày và phạm tội có tính chất nhỏ nhặt, gây bức xúc xã hội.
Khi đã bị phát hiện đối tượng lại trốn, không bắt giữ được và không đưa ra xét xử được. Có thể hơn 1.000 đối tượng 5 - 6 năm nay chưa bắt được, trong đó có đối tượng đặc biệt nguy hiểm.
Tội nào đáng giam phải giam, trường hợp nào không giam phải mở rộng biện pháp ngăn chặn. Trong điều kiện hiện nay, cần nâng cao trách nhiệm của người bảo lãnh và nếu để tội phạm bỏ trốn người bảo lãnh phải bị phạt tiền.
Hiện nay, người bảo lãnh để tội phạm bỏ trốn vẫn chưa được Luật quy định phải bị xử lý. Nếu một chính sách pháp luật đưa ra không phù hợp thực tiễn, sẽ gây khổ cho cả cộng đồng.
Sáng 23/10, Quốc hội nghe Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước Chống tra tấn).
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho biết, Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Công ước Chống tra tấn vào thời điểm hiện nay.
Điều này phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta, nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam.
Việc phê chuẩn Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam, mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta.