Hút thuốc lá thụ động hay còn gọi là phơi nhiễm với thuốc lá từ môi trường bao gồm cả khói thuốc lá do sự đốt cháy điếu thuốc và khói do người hút thuốc thở ra. Luồng khói mà người hút thuốc thụ động phải hít vào khi ở trong môi trường nhiều khói thuốc còn nhiều chất độc hại hơn cả luồng khói chính của người trực tiếp hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.
Tác hại của hút thuốc thụ động đối với trẻ em
Trẻ em phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động nếu người mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai, hoặc nếu mẹ là người hút thuốc thụ động, hoặc trẻ sống với người hút thuốc. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ mà có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ.
Đó là Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, các vấn đề về hô hấp (viêm đường hô hấp cấp tính, các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính), bệnh tai giữa và cắt amidan do viêm, các triệu chứng hen, ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi.
1. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần.
2. Cân nặng khi sinh thấp
Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng thấp hơn những trẻ khác từ 1 đến 234 gam.
3. Các vấn đề về hô hấp
Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu. Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn thông qua sự tấy sưng và viêm của phổi. Nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ hoặc chỉ mẹ hút thuốc cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với trẻ khác, đặc biệt nguy cơ này cao nhất ở trẻ có mẹ hút thuốc.
4. Bệnh tai giữa và cắt amidan do viêm
Các bằng chứng hiện có đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa bố mẹ hút thuốc và bệnh tai giữa bao gồm bệnh viêm tai giữa tái phát và cấp tính và chảy mủ tai mãn tính.
Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có liên quan với hút thuốc lá thụ động và tỷ lệ này cao hơn ở trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính).
5. Các triệu chứng hen
Hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ và làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở ngắn ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%.
6. Sự phát triển chức năng phổi
Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ trong suốt thời kỳ trẻ em. Các nghiên cứu cũng chứng minh hút thuốc thụ động sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 0,32% dung tích sống gắng sức; 1,2% thể tích thở ra gắng sức, 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.
Tác hại của hút thuốc thụ động đối với người lớn
Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30% so với những người không hút thuốc cả chủ động và thụ động. Các bằng chứng khoa học hiện tại cũng thể hiện mối liên quan giữa hút thuốc lá thụ động và ung thư vú và ung thư xoang mũi. Tuy nhiên chưa đủ bằng chứng để kết luận hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây ra hai ung thư này. Không chỉ dừng ở đó, hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ.
Khói thuốc có thể tồn tại trong không khí hơn 2 giờ, dù không còn nhìn hoặc ngửi thấy nữa. Do đó, những người thường xuyên sống hoặc làm việc cạnh người hút thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương việc hút 5 điếu mỗi ngày. Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, cứ mỗi giờ ở cùng phòng với người hút thuốc lá, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp trăm lần so với việc sống 20 năm trong tòa nhà nhiễm chất độc arsenic.