Hay: Cách xa từ nay xác thân hao gầy… Trách than vì ai nỡ xa nhau hoài/ Lệ rơi ướt thêm đôi mi dài. (Tình phiêu lãng).
Những “điển cố điển tích” đặc trưng cho nhạc sến tiếp tục được tái sử dụng: Ngước mắt nhìn đời, cuộc đời bạc trắng như vôi/ Cúi mặt gục đầu, nửa đời ta đã về đâu. (Sống giả).
Một bài hit trong chương trình Bài hát Việt cũng lặp lại lối diễn đạt… đã héo: Thôi yêu làm chi khi con tim quá mù lòa/ Đến với anh đêm nay nữa thôi (Đừng làm nỗi đau thêm dài).
Độ sáo rỗng thể hiện ở sự nghèo nàn, đến nỗi “nhái” lúc nào không hay. Anh giờ như cánh chim bay về nơi chốn xa và Anh giờ đây tựa như cánh chim phiêu bạt bay về phương trời xa là hai câu trong hai bài hát Chủ nhật tình yêu và Lang thang.
Có lẽ anh và em chia tay sẽ đẹp hơn nếu ta sum vầy (Yêu trong mù lòa) thật xứng đôi với Nếu anh còn yêu thương tôi, xin anh quên tôi (Dẫu tình đã xa). Tên bài hát (của cùng một ca sĩ) cũng đối nhau chan chát như Người đàn ông chân thật với Người đàn bà tự tin hay Anh chàng đẹp trai xem ra “đắt khách” thì lập tức có ngay Cô nàng đẹp gái ăn theo.
Người ấy và chính tôi trong cuộc tình chúng ta/ Em phải nhận ra một người thôi (Người ấy và tôi chọn ai). Từ “nhận ra” ở đây buộc phải hiểu là “nhận lấy”.
Và người nghe cứ thường xuyên phải châm chước cho ca từ. Chẳng hạn Em mơ một giấc chiêm bao (Cổ tích chuyện tình) hay Giọt nước mắt bây giờ không khóc (Hoài niệm) nếu hiểu đúng theo “văn bản” thì… rất khó hiểu.
Ca từ trở nên rối rắm khi cứ cố dài ra hòng vừa với nhạc: Rồi em mơ thấy, thấy anh kề bên/ Và rồi lại thấy em nằm mơ những giấc mơ buồn (Em mơ về anh); Hứa một lần nữa cố hứa một lần nữa/ Hứa cho em nghe lời anh hứa (Giờ thì anh hứa để làm gì).
Một số ít lời hát đi theo hướng hài hước không kém tiết mục “nhạc chế” của các danh hài: Có chồng hào hoa các em cũng phải đề phòng/ Bởi vì hào hoa mấy khi được tiếng thủy chung (Hào hoa).
Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Hiện nay có ít tác phẩm thành công, cộng hưởng được âm nhạc hay và ca từ hay. Phần đông tôi thấy ca từ nhảm nhí hoặc cũ kĩ quá! Vẫn yêu đấy, thương đấy, khóc cười đấy, nhưng đa phần là “rỗng”, là cái vỏ được tô son vẽ phấn lộ liễu, hoặc lấp liếm bằng những phương tiện biểu hiện khác như âm nhạc, nhạc cụ, mốt quần áo, đầu tóc, hình ảnh video bắt mắt..vv. Có không ít ca khúc nhạc trẻ hôm nay thực sự là rác của xã hội, gọi là “nhạc rác” cũng được. Nguời viết ra chúng không ý thức được họ đang đi ngược lại văn minh âm nhạc cần vươn tới, hoặc họ không cần vươn tới mục tiêu nào ngoài tiền bạc. Khi họ chìm đắm trong những kỹ năng biểu hiện quá sức thô sơ mà vẫn có được nguồn lợi thì họ không thể thay đổi, không cần thay đổi. Với tôi, dạng nhạc trẻ này thiếu tính lý tuởng. Âm nhạc phải có tính nhân văn, nếu chỉ rặt toàn nhân sinh vị kỉ thì xã hội xơ cứng ngay. Nói đi thì phải nói lại, tôi thừa nhận bên cạnh sự xô bồ của nhạc rác hiện nay, cũng có nhiều tác phẩm hết sức tìm tòi và trong lành thực sự, nhưng tỷ lệ này chỉ chiếm 30-40% so với những ca khúc đáng bỏ đi… |
Thật là ý tưởng lớn gặp nhau: Vì anh đẹp trai nên nhiều cô nhìn ngó thế thôi/ Chứ yêu em rồi là anh cũng sẽ thủy chung suốt đời (Anh chàng đẹp trai).
Nhóm AXN khá nổi bật với một vệt ca từ và cách đặt tên ca khúc đầy “ấn tượng”. Nội dung vẫn là yêu đương sướt mướt, nhưng cách diễn đạt có khác: Chờ em đi xa thật xa sẽ khóc/ Khóc cho mạnh lên trái tim (Không thể khóc trước mặt em).
Một đoạn điệp khúc tiêu biểu của nhóm này đã đạt đến mức bất cần: Mất đi người yêu anh thì sao/ Mất đi người yêu thì với anh cũng thế thôi/ Người yêu anh trên thế gian còn rất nhiều/ Người yêu anh đâu chỉ có riêng mình em. (Không yêu đừng nói lời đắng cay). Nếu không còn tên bài nào dài hơn thì kỷ lục lòng thòng thuộc về AXN với Mong người ta luôn tốt luôn yêu em!
Khi kinh tế thị trường phát triển, tiền bắt đầu xuất hiện trong ca khúc, chẳng hạn: Mà ai đâu hay khi sức hút đồng tiền đã dành đi người em (Như em từng mơ), Tiền có kiếm như nước rồi cũng sẽ trôi hết (Kiếp đỏ đen). Có những tối tôi thật không biết làm gì đây/ Tôi chẳng mong đến mai, ngày mai ơ hờ (Ngày không vội vã). Đây là những dấu hiệu cho thấy ca từ đang tiến dần đến khẩu ngữ và những tâm sự thường nhật.
Sự phát triển rầm rộ của nhạc trẻ đương thời không ngừng đòi hỏi những ca khúc mới- nghĩa là nhạc và lời phải khác nhau đủ để coi là một bài hát mới(!). Làm nhiều nhạc thì nhạc “nhái”, mà làm nhiều lời thì lời sáo, lời vô nghĩa, lời lẩn thẩn cũng nhiều.
Bên cạnh việc làm ca từ dễ dãi là cố đi tìm những cách diễn đạt mới, thậm chí khác thường để câu khách- tất nhiên người được lợi chính trong “vụ” này vẫn là ca sĩ. Hầu hết ca từ đã dẫn xuất xứ đều từ những bài hit của một số “ngôi sao trẻ”.