Cả nghìn người di cư quyết đi bộ

Đoàn người di cư quyết định đi bộ sau khi bị chính quyền Hungary không cho tiếp tục đi tàu. Ảnh: Telegraph
Đoàn người di cư quyết định đi bộ sau khi bị chính quyền Hungary không cho tiếp tục đi tàu. Ảnh: Telegraph
TP - Hơn 400 người di cư, trong đó có cả người đi xe lăn và chống nạng, hôm qua quyết định đi bộ qua hơn 170km đến Áo, sau khi đoàn tàu chở họ bị giới chức Hungary không cho đi tiếp.

Một số tờ báo Hungary đưa tin, đoàn đi bộ có thể lên đến cả nghìn người. Theo Reuters, những người này dùng điện thoại để định vị và men theo các tuyến đi bộ để tránh rắc rối. Những người di cư cho biết, điểm đến cuối cùng của họ là Đức. Sau khi trải qua chiến tranh ở Syria, “chúng tôi có thể đi bộ dù đường xa đến đâu”, một người nói. Ngày 4/9, AP dẫn lời Osama (23 tuổi, người Syria): “Điểm dừng tiếp theo là Áo. Bọn trẻ mệt quá rồi. Hungary tệ quá. Chúng tôi phải đi bằng bất kỳ cách nào”.

Trong khi đó, khoảng 300 người khác bỏ chạy khỏi một trại tị nạn ở Hungary sau vài ngày bế tắc với lực lượng chức năng. Cảnh sát Hungary hôm qua thông báo, họ đang đuổi theo nhóm người này và đã chặn đường để ngăn đoàn bỏ chạy; lối qua biên giới với Serbia cũng bị chặn. Một đoạn phim do camera giám sát ghi lại cho thấy, cảnh sát chống bạo động đang bao vây khu trại, AP đưa tin. Hơn 2.000 người khác ở một trại của Syria gần biên giới Serbia tuyên bố sẽ phá rào nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Hàng ngàn người bị mắc kẹt mấy ngày ở nhà ga trung tâm Budapest tưởng rằng sẽ được đi tiếp khi cảnh sát Hungary hôm 3/9 cho họ lên tàu. Nhưng cuối cùng, họ bị chặn lại ở một nhà ga khác phía tây Budapest, nơi có vài chục sĩ quan cảnh sát đang đợi sẵn để dồn họ vào trung tâm đăng ký di cư, đe dọa cơ hội đi tiếp đến Tây Âu.  Xô xát xảy ra vì cả hai bên không chịu nhượng bộ. Giới chức Hungary muốn những người này vào trại tị nạn, nhưng người di cư sợ rằng việc đăng ký ở đây sẽ khiến họ không thể đi tiếp đến Đức và các nước khác. Ngày 4/9, khoảng 200 người di cư không đăng ký xô xát với cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển ở đảo Lesbos của Hy Lạp. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, người di cư ném đá vào cảnh sát, còn cảnh sát xịt hơi cay để giải tán họ. Hy Lạp đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng di cư khi mỗi ngày có vài trăm người chạy trốn chiến tranh và đói nghèo cập bờ biển nước này.

Đám tang đẫm nước mắt

Thi thể cậu bé 3 tuổi Alan Kurdi hôm qua được đưa về quê ở thị trấn Kobane, Syria, để chôn cất cùng anh trai 5 tuổi và mẹ. Trước đó, hình ảnh cậu bé nằm bất động trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và gây xúc động trên toàn thế giới về những tổn thất tính mạng quá đau xót mà những con người chay trốn chiến tranh, đói nghèo đang phải mạo hiểm.

Bố của cậu bé, anh Abdullah Kurdi, phải chứng kiến cảnh thi thể con trai út được đưa vào quan tài và hạ xuống huyệt cùng con trai lớn Galip, 5 tuổi, và vợ Rehan, 35 tuổi, tại nghĩa trang ở Kobane. Thị trấn này là một trong những thành trì của người Kurd ở miền bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nên hứng chịu nhiều cuộc tấn công của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). “Tôi  muốn chính phủ các nước Ảrập, chứ không phải các nước châu Âu, nhìn những điều đang xảy ra, và họ nên giúp chúng tôi”, Telegraph dẫn lời anh Kurdi.

Khi cuộc khủng hoảng đang lên đến đỉnh điểm, Liên minh châu Âu (EU) chịu áp lực lớn phải đưa ra một chính sách đoàn kết để ứng phó làn sóng nhập cư lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Ông Antonio Guterres, lãnh đạo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, hôm qua chỉ trích hệ thống “thiên lệch và rối loạn” của EU mà theo ông chỉ có lợi cho những kẻ buôn người. Ông thúc giục EU chấp nhận 200.000 người tị nạn theo “chương trình tái định cư quy mô lớn” và phải có “sự tham gia bắt buộc” của tất cả các quốc gia thành viên.

Dưới áp lực phải hành động trước cuộc khủng hoảng, chính phủ Anh hôm qua tuyên bố đồng ý tạo chỗ ở cho hàng ngàn người tị nạn Syria. Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, người sẽ chỉ trì các cuộc họp sắp tới của EU về xử lý khủng hoảng, vừa chỉ trích Thủ tướng Hugary: “Ai đó đôi khi phải thấy xấu hổ thay cho ông Viktor Orban”. Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước đó cảnh báo châu Âu rằng, những người di cư theo đạo Hồi tràn vào châu Âu sẽ đe dọa “cội nguồn Cơ-đốc giáo của châu Âu”, trong khi một số quan chức EU khác đáp trả rằng, giá trị của Cơ-đốc giáo là giúp đỡ những người kém may mắn. Các nghị sĩ Hungary sắp bỏ phiếu để quyết định xem có đóng cửa biên giới với người di cư hay không.

Sau khi hình ảnh bé trai chết đuối dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người lên án sự thờ ơ của Mỹ. Trong suốt 4 năm, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã theo đuổi cái mà cựu cố vấn đặc biệt về chuyển đổi ở Syria, ông Frederic Hof, gọi là “vở kịch câm phẫn nộ” trước cảnh hơn 200.000 người chết ở Syria, 7,6 triệu người phải bỏ nhà ra đi. 

Học tập một số nghị sĩ và quan chức địa phương ở Anh, ca sĩ-nhạc sĩ Ireland Bob Geldof hôm qua tuyên bố sẽ cho 4 gia đình người tị nạn vào ở nhờ. Khoảng 500 người Pháp cũng tuyên bố sẽ cho những người tị nạn ở nhờ trong ít nhất 2 tuần. 

MỚI - NÓNG