Cà Mau rối với đàn ong lạ

50 thùng (tương đương 50 đàn ong) được nuôi tại Trại thực nghiệm Trung tâm thông tin - ứng dụng khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Cà Mau.
50 thùng (tương đương 50 đàn ong) được nuôi tại Trại thực nghiệm Trung tâm thông tin - ứng dụng khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Cà Mau.
TP - Đàn ong lạ được nuôi tại ấp 14, xã Khánh An (U Minh Hạ) đang khiến người dân địa phương phản ứng quyết liệt vì lo sợ ảnh hưởng đến ong tự nhiên cũng như thương hiệu “Mật ong U Minh Hạ”.

Không chỉ dừng lại ở đó, đàn ong lạ đang kéo các bên liên quan và cả các cơ quan chức năng tại tỉnh Cà Mau vào cuộc chiến pháp lý ngày càng căng thẳng. Ngày 10/4, Sở NN & PTNT Cà Mau chủ trì cuộc họp bàn về việc xử lý vấn đề này.

Lo ảnh hưởng ong tự nhiên

Từ đầu năm 2017 đến nay, Cty TNHH Công nghệ Ubee  đặt 3 điểm nuôi ong có nguồn gốc từ Ý tại khu vực tiếp giáp Vườn quốc gia U Minh Hạ. Trong đó, một điểm do Cty này hợp tác với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở KH-CN) để nuôi thực nghiệm và đặt tại Trại thực nghiệm của Trung tâm, gồm 50 thùng. Hai điểm còn lại, Cty thuê mặt bằng và đặt trong đất của hai hộ dân tại địa phương, một điểm gồm 100 và một điểm 120 thùng.

“Bà con phản đối kịch liệt việc nuôi ong, cho đi hút mật sẽ ảnh hưởng đến ong tự nhiên, suy giảm nguồn mật tự nhiên và ảnh hưởng đến nhãn hiệu tập thể mật ong U Minh Hạ”- ông Quách Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Khánh An nói. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, GĐ Cty TNHH MTV U Minh Hạ cũng cho biết, hơn 2.500 hộ dân phản ứng việc nuôi ong vì lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong tự nhiên ở đây và sẽ gây thiệt hại rất nặng nề về kinh tế của các hộ dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Điền-Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, việc nuôi ong của các tổ chức, cá nhân kể trên không xin phép chính quyền địa phương. Người dân sống bằng nghề ăn ong phản ứng dữ dội vì họ lo ngại loài ong lạ sẽ làm chết đàn ong tự nhiên và ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của họ. Hiện tại, giá mật ong nuôi đã xuất hiện và được bán với giá chưa bằng một nửa mật ong tự nhiên.

Tuy nhiên, ông Quách Văn Ấn - GĐ Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, Trung tâm hợp tác cùng Cty Ubee nuôi 50 thùng ong trong phạm vi 5 ha với thời gian 24 tháng. Cty TNHH Công nghệ Ubee cũng đã xuất trình văn bản hợp tác với Trung tâm, biên bản ghi nhớ với Hội nuôi ong Tiền Giang và được Bộ NN & PTNT cho phép sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

Ông Phan Tấn Thanh-Phó GĐ Sở KH-CN cho biết, lãnh đạo Sở này đã đồng ý cho phép hợp tác nuôi ong thực nghiệm. Ông Lê Văn Hải-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, ong Ý được sản xuất, kinh doanh theo thông tư 25 của Bộ NN & PTNT và không nằm trong danh mục động vật cấm nuôi tại thông tư liên tịch số 27 của Bộ NN & PTNT và Bộ TN-MT.

Tuy nhiên, tại quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về Khu dự trữ sinh quyền Mũi Cà Mau thì ong Ý không được nuôi khi chưa được khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học và được cho phép. Ông Hải cũng cho rằng, vị trí nuôi ong Ý sát Vườn quốc gia U Minh Hạ nên có khả năng ảnh hưởng đến đàn ong tự nhiên và đa dạng sinh học.

Phải di dời ngay

Ông Lý Văn Nhạn-GĐ Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau cho biết, Cty Ubee chưa xin phép, chưa chứng minh nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch thú y và chưa được phép UBND tỉnh Cà Mau là sai. “Căn cứ Điều 7, Điều 8 Luật đa dạng sinh học, Cty Ubee không được nuôi loài ong Ý khi chưa được địa phương cho phép.

Đối với điểm nuôi tại Trại thực nghiệm, Cty Ubee phải chứng minh được 4 điều kiện đối với đàn ong nuôi thực nghiệm là về xuất xứ, kiểm dịch, kết quả thực nghiệm và giấy phép do Chủ tỉnh UBND tỉnh cấp. Riêng 220 thùng đặt ngoài khu vực thực nghiệm phải di dời ngay”.

Ông Quách Văn Quốc, Chi cục Thú y Cà Mau cho rằng, ong mật và sản phẩm ong mật được tự do đưa từ tỉnh này sang tỉnh khác, trong khi ong Ý phải kiểm dịch, nếu có dịch bệnh sẽ phải tiêu hủy.

Ông Trần Văn Thức-Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau đề nghị Chi cục Thú y kiểm tra, xác định có phải ong Ý không và xử lý theo Luật Thú y và các văn bản pháp lý về việc gây nuôi, kinh doanh sinh vật ngoại lai.

Trong trường hợp, Cty Ubee xác định rõ nguồn gốc là ong Ý, có đủ điều kiện nuôi thực nghiệm thì Sở KH-CN di dời đàn ong nuôi thực nghiệm cách Vườn quốc gia U Minh Hạ 10 km. Khi có hiệu quả, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép nuôi theo qui hoạch.

“Cty Ubee thuê mặt bằng trong dân, sát Vườn quốc gia U Minh Hạ phải di dời ngay 220 thùng ong. Chi cục Thú y Cà Mau, UBND huyện U Minh làm việc với Cty Ubee di dời ngay đàn ong Ý nuôi không có qui hoạch”- ông Trần Văn Thức nói.

MỚI - NÓNG