Cả đời theo bóng cụ đồ Chiểu

TP - Trong một lần về quê cụ đồ Chiểu viết bài, tôi được các sư ở chùa Tôn Thạnh giới thiệu về nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng là người “Cả đời tìm hiểu và gìn giữ giá trị của cụ đồ Chiểu”.

Những người ở vùng quê nhỏ bé ấy thường nhắc về người con gái nay tóc đã bạc, thường đi khắp các làng quê để tìm hiểu về sự nghiệp và những nhân chứng quanh sự nghiệp của tác giả “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.

Nay đây mai đó

Tôi đến một tòa thánh đạo Cao Đài gần như bỏ hoang ở gần chợ. Trong tòa nhà cũ kỹ rêu phong, xuống cấp, chỉ có một người phụ nữ trạc 70 tuổi sống một mình và đôi khi bà được người dân xung quanh mời những tô cháo tô bún. Có lẽ lâu lắm rồi bà mời gặp nhà báo nên khá bất ngờ. Bà Châu Anh Phụng nói: “Tôi trú ở đây lâu rồi, nhà cửa bán từ xưa, nay đây mai đó, đi tìm xem có những tư liệu gì về cụ đồ Chiểu hay không. Thật ra tôi là người ở thành phố, sinh trưởng và học hành ở Sài Gòn, nhưng có lẽ bây giờ tôi đã là dân quê mất rồi”.

Các nhà sư ở chùa Tôn Thạnh nói: “Có lẽ cô Châu Anh Phụng là người hiểu cụ đồ Chiểu nhất ở đây”. Quả là tôi được nhà nghiên cứu cung cấp rất nhiều hình ảnh văn bản, báo chí, các loại giấy tờ liên quan đến việc nghiên cứu, các công trình, các sự kiện kỷ niệm về nhà thơ trải qua hai chế độ, mấy chục năm trường.

Quanh tòa thánh thất mục nát ấy, phố phường nay đã đông đúc, nhiều nhân chứng cũng đã qua đời. Trong những đống giấy tờ văn bản đã bạc màu, thấy có tên tuổi rất nhiều người từng tham gia nghiên cứu, tôn vinh cụ đồ Chiểu. Hỏi ra thì họ phần nhiều đã qua đời. Cô đứng nhìn cái chợ đông đúc, bảo tôi: “Tài sản của tôi chẳng có gì, chỉ có những bức hình những bài thơ của cụ đồ Chiểu. Thứ quý báu nhất tôi đem gửi ngân hàng là những văn bản Hán Nôm cổ của cụ. Còn hàng ngày, cứ tá túc nay đây mai đó thế này đây”.

Cả đời theo bóng cụ đồ Chiểu ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

“Cha truyền con nối”

Cô Châu Anh Phụng sinh năm 1940 trong một gia đình khá giả, bố là một trí thức. Cô nói: “Bố tôi mê văn chương cụ Nguyễn Đình Chiểu mà truyền cho tôi cảm hứng ấy”.

Lúc còn là cô bé, cô thấy cha mình mỗi khi đọc một cuốn sách lại nhỏ lệ nên lấy làm lạ, dò hỏi thì được biết là bố mình đang đọc văn chương cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ở độ tuổi trẻ con, Châu Anh Phụng bắt đầu tìm hiểu cụ đồ Chiểu là ai mà bố mình lại mê đến vậy. Ông cụ giải thích: “Truyện Lục Vân Tiên ca ngợi chữ hiếu. “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”. Chữ hiếu luôn làm cho cha cảm động”.

Ông Nguyễn Văn Ký, bố cô Phụng, mất năm 1961. Con cháu ông ở Long An theo Việt Cộng khá nhiều, ông giỏi tiếng Tây, ông lên Sài Gòn. Cô Phụng  (tên thật là Kim Anh) theo học trường Gia Long là một ngôi trường nổi tiếng ở Sài Gòn khi đó. Nhờ đi học, cô biết Nguyễn Đình Chiểu không chỉ sáng tác Lục Vân Tiên mà còn có nhiều tác phẩm giá trị khác nữa.

Mồ côi cha lúc mới 20 tuổi, đó là một cú sốc lớn với cô nữ sinh Kim Anh. Mỗi khi nhớ về cha, cô lại nhớ về những giọt nước mắt của ông khi cụ ngồi đọc Lục Vân Tiên. “Tôi muốn làm việc gì có ích cho đời, để cho ba tôi vui, như vậy tôi cũng làm tròn chữ hiếu với cha mình. Tôi bắt đầu đọc lại Lục Vân Tiên và đọc những tác phẩm khác của Nguyễn Đình Chiểu để tìm lẽ sống cho mình và gắn bó với các tác phẩm của cụ đồ Chiểu từ đó”. Kim Anh lấy bút danh Châu Anh Phụng và bắt đầu làm thơ.

Dựng bia cụ đồ Chiểu

Năm 1972, cô Phụng xin chính quyền cũ tổ chức lễ tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu. Chính quyền cũ nghĩ rằng cô ở vùng Việt Cộng hoạt động nên có thể là người của Việt Cộng nên không mặn mà với kế hoạch này lắm.

Cô Phụng nhớ lại: “Chị ruột tôi là chủ tiệm vàng, đã giúp kinh phí cho tôi dựng bia tôn vinh cụ Nguyễn Đình Chiểu tại chùa Tôn Thạnh, việc làm mà chính quyền không làm được”. Lúc lập bia năm 1973, họ  rước bà con cụ đồ Chiểu từ Ba Tri, Bến Tre và các nơi về làm lễ. “Tôi đã lấy của chị tôi 4 cây vàng để tổ chức buổi lễ tôn vinh ấy”.

Một chi tiết cô rất nhớ đó là trong bữa tiệc sau khi khánh thành bia tưởng niệm, chính quyền cũ có cử người tham dự và giám sát nhưng họ không dám ngồi ăn với người thân của cụ đồ Chiểu vì e ngại những người này từ vùng Bến Tre qua là dân Việt Cộng.

Cô Phụng tâm sự: “Lúc đó tình hình chính trị phức tạp. Muốn tổ chức, không thể không báo cho chính quyền, tôi e ngại những người khác cho rằng tôi làm việc cho chính quyền, là việc không có lợi cho tôi. Ngược lại, tôi tôn vinh cụ đồ Chiểu ở vùng ráp ranh, nơi du kích rất nhiều, nên chính quyền cũng không tin tôi, họ nghĩ tôi là người cách mạng”. Cô Phụng có chị gái theo cách mạng, ban đầu hoạt động trong phong trào sinh viên, sau bị đàn áp nên ra căn cứ rồi mất ở Củ Chi. Cô Phụng nói: “Tôi không có động cơ chính trị, động cơ của tôi đó là tình cảm của tôi với tác phẩm của cụ đồ Chiểu”.

Cả đời theo bóng cụ đồ Chiểu ảnh 2 Cô Châu Anh Phụng với tấm hình cụ Lê Công Uẩn, người có bản viết tay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Phía sau là chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được vẽ lại sau 1975. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Tổ chức vẽ chân dung cụ đồ Chiểu

Khi đất nước thống nhất, cô Phụng rất muốn kết nối những người mê văn chương Nguyễn Đình Chiểu ở cả hai miền Nam Bắc. Năm 1980, cô gửi văn bản ra Hà Nội cho các nhà nghiên cứu văn học để xin tổ các sinh hoạt tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu. Nhận được văn bản, nhà thơ Hoàng Trung Thông vào TPHCM, thăm cháu ngoại bà Sương Nguyệt Anh (con gái cụ đồ Chiểu), họ thành lập tiểu ban văn học Nguyễn Đình Chiểu trong đó toàn là người ở miền Nam, chỉ riêng Hoàng Trung Thông là người miền Bắc.

Theo Trúc Chi, tháng 7/1982, Viện trưởng Viện Văn học, nhà thơ Hoàng Trung Thông vào dự hội nghị về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre ngỏ ý muốn có bức chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu đưa ra Hà Nội. “Với sự đồng ý của các tiểu ban, cô Châu Anh Phụng nhờ họa sĩ Thanh Xuân vẽ lại bức chân dung bằng chất liệu sơn dầu lớn hơn gấp bốn lần bức vẽ lần trước. Ngày 14/9/1982, Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu tại TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi lễ trao tặng bức chân dung Nguyễn Đình Chiểu cho Viện Văn học”.

Bức chân dung Nguyễn Đình Chiểu đó sau được sử dụng phổ biến trong các sách vở nghiên cứu cũng như các sinh hoạt văn chương cả nước.

Về bức tranh chân dung cụ đồ Chiểu, năm 1971, nhân đợt chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 149 sinh nhật Cụ Nguyễn Đình Chiểu, các nhà văn và gia đình đã nhờ một họa sĩ vẽ chân dung Nguyễn Đình Chiểu dựa trên hình ảnh của ông Nguyễn Đình Chiêm, con trai thứ 7 và tấm ảnh ông Nguyễn Đình Ninh, cháu nội (con của người con thứ 3) của Cụ Đồ Chiểu là hai người mà gia đình cho là có khuôn mặt giống khuôn mặt Cụ Đồ Chiểu nhất. Bức tranh chân dung được đăng trong tập “Kỷ yếu lễ Kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu năm 1971” tại Sài Gòn. Song, sau đó mọi người phát hiện ra rằng bức tranh cụ đồ Chiểu ấy lại thiếu mất bộ râu.

Sau khi đất nước thống nhất, thể theo nguyện vọng của cháu nhà thơ là bà Mai Huỳnh Hoa, Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu quyết định phải nhờ một họa sĩ vẽ lại chân dung cụ Đồ Chiểu dựa theo nền chân dung đã có năm 1971 nhưng có thêm bộ râu dài. Bức tranh đã được tặng cho Viện Văn học kể trên.

Sau đó, từ bức chân dung, các tượng đài cụ Đồ Chiểu được dựng lên ở Trường Phổ thông Đặc biệt - Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu quận 10 TPHCM, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Đình Chiểu xã Mỹ Lộc - Cần Giuộc, Lăng Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre… được làm dựa trên bức tranh chân dung này.

Cả đời theo bóng cụ đồ Chiểu ảnh 3 Cô Châu Anh Phụng và nhà thơ Hoàng Trung Thông năm 1982 tại TPHCM (hai người đứng ngoài cùng bên phải, ảnh tư liệu).

Trao gửi

Đôi ba lần tôi muốn tìm gặp lại nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng, nhưng cô thường xuyên chuyển chỗ ở trọ. Có lần xảy ra một vụ nổ vật liệu làm phim gần tòa soạn chúng tôi, thật cảm động, tôi nhận được cú điện thoại của cô Phụng từ đâu đó xa xăm, thấy máy có người trả lời, cô rất mừng, hỏi thăm: “Nhà báo và anh chị em ở tòa soạn có sao không?”.

Mới đây có đoàn làm phim về Nguyễn Đình Chiểu tới ghi hình cô, tôi cũng ghé thăm và thấy cô vẫn nhiệt tình cung cấp các hình ảnh và văn bản cụ đồ Chiểu, dù cô bảo: “Tôi mới mổ mắt, may quá, vẫn còn đọc được”. Được biết, Ban điều hành Quỹ Tình Thơ đã trao số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ cho bà Châu Anh Phụng mổ mắt.

Cô Phụng chia tay tôi, gửi gắm: “Tôi nay đã già, nên những tài liệu nghiên cứu của mình, các văn bản cổ, tôi cũng đang đêm đêm một mình ngồi gom lại, tìm nơi yên tâm để gửi gắm, hy vọng có người tiếp tục sự nghiệp bảo tồn nghiên cứu cụ đồ Chiểu”.

4/2018

Tài sản quý báu nhất một đời

Cô Châu Anh Phụng kể: “Năm 1982, chúng tôi in sách về cụ Đồ Chiểu, bỏ tiền túi ra in chứ không xin ngân sách nhà nước”. 

Cô Phụng đã dành rất nhiều thời gian để đi sưu tầm các phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, từ các bản in đến các bản viết tay. Nhờ cơ duyên, cô sưu tầm được một bản viết tay cổ bản “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được đánh giá là hết sức cổ, quý giá.

Cô tâm sự: “Theo những người dân ở quê cụ đồ Chiểu, do cụ bị mù, nên các tác phẩm của cụ đều do người khác chép lại, các văn bản gốc này đều là bản viết tay. Song, truyền thuyết là vậy, nhưng chưa ai nhìn thấy một bản viết tay nào”. Trong một lần điền giã, Châu Anh Phụng đã tìm gặp được anh Lê Minh Trí là cháu của cụ Lê Công Uẩn – một trí thức trong vùng. Anh Trí đã đưa cho cô Phụng bản viết tay Hán Nôm cổ mà cụ Lê Công Uẩn đã sưu tầm hoặc đã ghi chép được. Từ năm 1976, các nhà nghiên cứu Hà Nội đã đánh giá đây là văn bản gần với nguyên tác nhất.    

Các tài liệu hiện nay đều in bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc có có 30 câu văn bền ngẫu. Song bản viết tay mà nhà thơ Châu Anh Phụng sưu tầm được tại nhà ông Lê Công Cẩn lại có 31 câu. Câu văn bị bỏ sót là câu thứ 28 của tác phẩm, ngay sau đoạn: Cha ông ta còn ở Đồng Nai, ai cứu một phường con đỏ. Câu thứ 28 nguyên văn như sau:

Sông Cần Giuộc cỏ cây nhuốm lệ, thương là thương kẻ tử vô cô

Chợ Trường Bình phố xá bỏ hoang, giận là giận người sanh bất võ

Cô Châu Anh Phụng nói: “Tôi rất tin vào văn bản cổ này, vì địa danh chợ Trường Bình chính là chợ địa phương, ngay gần chùa Tôn Thạnh”. Có lẽ tài sản lớn nhất của cô Phụng chính là bản viết tay văn bản cổ này và cô đã đem nó đi gửi vào ngân hàng để tránh sự mất mát trong cuộc đời lưu lạc đây đó của mình. 

MỚI - NÓNG