Buồn vui thưởng Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chuyện thưởng Tết luôn là chủ đề “nóng” vào dịp cuối năm. Cứ đến gần Tết Nguyên đán người ta lại lôi chuyện lương thưởng ra bàn tán. Thậm chí, câu hỏi hay dùng nhất trong những cuộc gặp gỡ dịp này là: “Năm nay thưởng Tết cao không?”.

Cũng dễ hiểu thôi, tâm lý chung từ xưa đến nay, làm việc quần quật cả năm thì cũng mong cuối năm có được một khoản thưởng để sắm Tết. Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 càng khiến người lao động quan tâm đến khoản thưởng, hay phụ cấp cuối năm.

Mới đây, báo cáo về kết quả khảo sát tiền lương thưởng năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết 2022 của Sở LĐ-TB TPHCM cho thấy, một doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần lên tới gần 1,3 tỷ đồng/người khiến nhiều người trầm trồ. Tuy nhiên, không cần tìm hiểu hay phân tích thì ai cũng hiểu, đó là trường hợp hy hữu. Mức thưởng cao ngất ngưởng nói trên rất hiếm, người được thưởng chắc chắn là nhân sự cấp cao, không nằm trong nhóm lao động “đại chúng”.

Buồn vui thưởng Tết ảnh 1

Tác giả: Ngọc Lâm

Một chuyên gia làm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự nói với tôi rằng, nếu nhìn vào lương thưởng để đánh giá tình hình kinh tế, phải nhìn vào mức đại chúng, không thể đưa một vài trường hợp đặc biệt ra rồi phản ánh. Chưa kể, nhóm mong mỏi lương thưởng ngày đêm chính là công nhân lao động, nhóm sống bằng lương, sắm bánh kẹo, quần áo tết cho con bằng tiền thưởng.

Kết quả khảo sát lương thưởng của Sở LĐ-TB&XH đối với 1.012 doanh nghiệp đang sử dụng 174.882 lao động cũng cho thấy, tiền thưởng bình quân dịp Tết Dương lịch của người lao động là hơn 4 triệu đồng/người, cao hơn 20 % so với năm ngoái. Tiền thưởng bình quân Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 8,8 triệu đồng/ người, cao hơn 0,8% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tất nhiên, mức bình quân nói trên vẫn chưa phải là đại chúng. Vẫn có những ngành nghề, những doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nên người lao động thuộc nhóm này không mong có thưởng Tết.

Chị Tuyết, nhân viên bán vé tại viện bảo tàng cho biết, hơn nửa năm qua nơi đây không mở cửa, doanh thu không có thì chuyện thưởng Tết thật phù phiếm, nhân viên ai cũng hiểu như thế. Theo chị, vẫn có lương cơ bản và trợ cấp xã hội lúc này là hạnh phúc lắm rồi.

Nỗi buồn thưởng Tết có thể kể đến là giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non trường tư thục. Hơn 8 tháng, trường đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này phá sản, không có kinh phí duy trì mặt bằng, nói gì đến chuyện lương thưởng cho giáo viên.

“Ở vào hoàn cảnh nào thì thích nghi hoàn cảnh đó, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nếu đợi “sống bằng lương, giàu bằng thưởng” thì giáo viên như chúng tôi đã phải bỏ việc từ lâu rồi”, một cô giáo mầm non nói.

Kể như vậy để thấy, thưởng Tết không phải là thước đo duy nhất, quan trọng là doanh nghiệp đối xử với người lao động thế nào trong quá trình làm việc. Có những doanh nghiệp, suốt thời gian giãn cách xã hội, không hoạt động nhưng vẫn có những khoản phụ cấp hỗ trợ người lao động vượt qua mùa dịch. Ấy cũng là một phần thưởng vậy!

MỚI - NÓNG