Bài 1: Tàu đóng bằng thép Trung Quốc, ngư dân mò mẫm làm… kỹ sư
Tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam sử dụng vật liệu thép tấm của Trung Quốc để đóng tàu. Trong khi đó, nhiều ngư dân với trình độ chưa hết cấp 2 phải tự mò mẫm khắp nơi trong nước để đàm phán đóng tàu vỏ thép.
Không an tâm
Dự toán đóng tàu lưới rê của ngư dân tỉnh Quảng Nam đã đưa khoảng 100 cấu kiện, thiết bị sử dụng hàng và thép Trung Quốc. Đó là những cấu kiện quan trọng nhất của con tàu, bao gồm “tôn 6, 8, 10, 12, 14, 18, 20, 24 mm; ống thép phi 139 x 10, 76 x 5, 24 x 4, ống thép đặc phi 16…, hộp số D 60 A, bơm điện, bơm hút khô…”. Hiện, ngư dân Quảng Nam đã đóng và hạ thủy 2 tàu cá lưới rê và còn một số tàu cá khác đang chuẩn bị đóng cũng với bảng thiết kế tương tự. Theo các kỹ sư ngành đóng tàu, thép Trung Quốc nếu xuất sang châu Âu đòi hỏi quy chuẩn quốc tế, còn thép Trung Quốc trôi nổi trên thị trường Việt Nam không ai dám đảm bảo chất lượng ra sao.
Ngư dân Võ Hân ở Quảng Ngãi từng ký hợp đồng với một công ty không có chức năng đóng tàu. Hiện nay, có ngân hàng giật mình, vì ngư dân đột nhiên bổ sung thêm hạng mục “mặc áo boong tàu” tốn kém hàng trăm triệu đồng. Một kỹ sư đóng tàu cho biết “sáng kiến lạ, chưa ai làm vậy”.
Kỹ sư Hồ Anh Tuấn (Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang), nói: “Nguồn thép Trung Quốc rất khó đánh giá về quy cách, không đồng đều. Nếu đúng nguồn thì không có gì. Nhưng chỉ lo không kiểm soát được. Quan điểm của công ty là không sử dụng thép Trung Quốc để đóng tàu cá”. Nếu đóng tàu hoạt động ở tuyến đường sông, trong vịnh nước êm, chủ đầu tư yêu cầu đóng bằng thép Trung Quốc để giảm giá thành thì các công ty mới đưa thép Trung Quốc vào.
Tiến sĩ Phùng Minh Lộc, Trưởng bộ môn Động lực, khoa Kỹ thuật Giao thông (Đại học Nha Trang), khẳng định: “Đóng tàu vỏ thép cho ngư dân thì tuyệt đối không sử dụng thép Trung Quốc, vì trong thép còn nhiều tạp chất, tàu nhanh bị thủng. Tốt nhất là chọn thép Nga, sau đó là thép Hàn Quốc. Sử dụng tàu thì bà con phải tuân thủ quy trình, mỗi năm phải sơn bảo dưỡng tàu một lần”.
Mò mẫm làm… kỹ sư
Suốt 4 tháng qua, ngư dân Phạm Văn Cu (52 tuổi) rời quê xã Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi) để đi khắp nơi trong nước nhằm nghiên cứu về công nghệ đóng tàu vỏ thép. Ông Phạm Văn Cu có kinh nghiệm 30 năm đi biển. Trước đây, ông từng là thuyền trưởng của 2 chiếc tàu nhỏ làm nghề giã cào, sau đó nâng cấp thành một đôi tàu lớn hơn có tổng công suất 900 mã lực chuyên làm nghề giã cào khu vực vịnh Bắc bộ. Ông Cu khá am hiểu về tàu vỏ gỗ, giá thành và quy cách đóng tàu. Nhưng tàu vỏ thép thì hoàn toàn mới mẻ và xa lạ đối với ông.
Bán cặp tàu gỗ 2,5 tỷ đồng để làm vốn đối ứng đóng tàu thép, ông Phạm Văn Cu bỏ đi biển và đến tất cả các công ty đóng tàu để tìm hiểu tàu vỏ thép mà mình sắp làm chủ. Các công ty đóng tàu Bạch Đằng ở Hải Phòng, ở Nam Định, Sài Gòn, Nha Trang…, ông Cu đều có mặt để tự tìm hiểu. Do trình độ học hết lớp 7 nên ông Cu chỉ đánh giá thực chất của các công ty qua dò hỏi và quan sát.
Ông Cu quyết định lựa chọn Công ty đóng tàu thủy Việt Đức ở tỉnh Nam Định và ký hợp đồng vào ngày 8/11/2015. Tổng trị giá hợp đồng là 14 tỷ 448 triệu đồng. Nhưng rồi Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi thẩm định và đã bác hồ sơ và kết luận giá thành con tàu này cao hơn thực tế nên dễ rủi ro cho bà con!
Cùng thời điểm ông Cu đi săn tàu 67, có rất nhiều ngư dân khác ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị cũng vào cuộc tự mò mẫm đi tìm hiểu bằng phương thức… sờ tàu, rủ rê ngư dân đóng tàu đi cà phê, nhậu nhẹt để hỏi thăm. Rồi bà con tự đàm phán với các công ty về giá thành.
Từ đầu năm đến nay, ông Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch HĐQT, Chủ nhiệm HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tiếp đón hàng chục người từ các công ty đóng tàu cả nước. HTX của ông Phước đang lập dự án đóng tàu thu mua hải sản và con trai của ông Phước cũng tham gia vào dự án đóng 1 tàu vỏ thép.
Các công ty giới thiệu về chất lượng tàu đảm bảo, có năng lực tài chính, có đội ngũ kỹ sư giỏi, vốn pháp định cao, không bị nợ nần. Ông Phước là người có kiến thức tốt hơn nhiều ngư dân khác nên khá thận trọng. Ông lưu tất cả mọi thông tin để đi kiểm định lại bằng cách tìm hiểu qua mạng internet, nhờ ngân hàng tra cứu năng lực tài chính của các công ty. Ông Phước cho biết: “Có những công ty đến nói rất hay, nhưng thiếu năng lực thực tế. Nếu ngư dân thiếu hiểu biết, chọn không đúng công ty thì tàu thép có nguy cơ sớm bị phá sản”.
Nhiều ngư dân cho biết, cùng một bản thiết kế, nhưng có công ty báo giá cao hơn 1,5 tỷ đồng, có nơi đại hạ giá xuống vài tỷ đồng. Độ vênh nhau lớn nhất về giá thành lên đến 3,5 tỷ đồng/tàu. Ngư dân thắc mắc về số tiền rẻ hơn thì nhà thầu nói: “Ưng tàu gì thì chúng tôi đáp ứng tàu loại đó (!?)”. Một số ngư dân không thể biết được “sức khỏe” tài chính của các công ty đóng tàu nên đã ký hợp đồng không đúng chỗ.