Bước đi mới tăng cường nội địa hóa của Toyota Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với việc chuyển sang lắp ráp trong nước 2 dòng xe, Toyota Việt Nam đã có thêm 7 nhà cung cấp linh kiện, đưa tổng số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lên 58 nhà cung cấp linh phụ kiện. Số lượng nhà cung cấp thuần Việt cũng tăng gấp đôi từ 6 lên 12.

Báo cáo gần đây của Bộ Công Thương về tỷ lệ nội địa hoá của ngành công nghiệp ô tô cho thấy, dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đi kèm với số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường gia tăng hàng năm nhưng đến tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân tại Việt Nam còn rất thấp.

Cụ thể với dòng xe dưới 9 chỗ ngồi mục tiêu đề ra vào năm 2020 là tỷ lệ nội địa hoá đạt 30 - 40%, đến năm 2025 là 40 - 45% và nâng dần lên tới 50-55% vào năm 2030. Nhưng thực tế đến nay, tỷ lệ nội địa hoá của xe dưới 9 chỗ mới đạt bình quân khoảng 7-10%, một tỷ lệ rất thấp với các quốc gia trong khu vực.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thừa nhận, trong suốt thời gian dài vừa qua, chuỗi cung ứng ngành ô tô Việt Nam không có nhiều chuyển biến. Một trong những điểm thắt của việc chậm trễ này xuất phát từ yêu cầu để tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô, doanh nghiệp phải đạt chứng chỉ IATF 16949 (Chứng nhận Hệ thống Quản lý Chất lượng cho ngành ô tô). Theo thống kê, trên thế giới vào năm 2015 có hơn 60 nghìn chứng chỉ được cấp. Còn tại Viể Nam, đến năm 2021mới có 21 công ty đạt chứng chỉ IATF 16949.

Việc không có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư để gia tăng tỷ trọng nội địa hoá với sản phẩm ô tô cũng có nhiều lý do và phụ thuộc chiến lược phát triển cuả từng đơn vị.

Với Toyota Việt Nam, việc đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đã được doanh nghiệp này tập trung thực hiện nhiều năm qua với nhiều mẫu xe lắp ráp đạt doanh số và tỷ lệ nội địa hóa cao.

Bước đi mới tăng cường nội địa hóa của Toyota Việt Nam ảnh 1

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy Toyota

Để thực hiện cam kết của mình. Công ty đã không ngừng đưa ra các sáng kiến, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giải quyết bài toán về linh kiện, nguồn nguyên vật liệu sản xuất trong nước và đẩy mạnh tìm kiếm, hỗ trợ từng bước đưa các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng.

Từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã lập riêng bộ phận chuyên trách, hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. Công ty cũng lập đội ngũ chuyên gia đến làm việc với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước để tư vẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất linh kiện, nâng cao quản trị, hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Với việc kiên trì song hành cùng các nhà cung cấp các linh, phụ kiện cho sản xuất ô tô trong nước, đến nay, hầu hết các xe của Toyota đều đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, riêng dòng xe chủ lực Vios đạt tỷ lệ nội địa hoá lên tới 43% nếu tính theo công thức giá trị gia tăng của ASEAN.

Toyota Việt Nam cũng cho biết, đã đặt mục tiêu dài hạn là không ngừng tăng thêm số lượng nhà cung cấp, cũng như tăng thêm linh kiện nội địa hóa. Nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà cung cấp, tăng cường quản lý chất lượng, hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, đóng góp cho ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô Việt Nam.

Để cụ thể hoá, Toyota Việt Nam đã công bố việc chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp bộ đôi Veloz Cross và Avanza Premio . Với việc chuyển sang lắp ráp trong nước 2 dòng xe trên, Toyota Việt Nam dã có thêm 7 nhà cung cấp linh kiện, đưa tổng số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lên 58 nhà cung cấp linh phụ kiện. Số lượng nhà cung cấp thuần Việt cũng tăng gấp đôi từ 6 lên 12. Tổng số linh kiện nội địa hóa đạt 740 sản phẩm, con số tăng thêm là 16, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp trong nước trở thành đối tác của thương hiệu sản xuất ô tô toàn cầu.

Bên cạnh thúc đẩy nội địa hóa, Toyota Việt Nam cũng cam kết đồng hành với sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công Nghiệp (Bộ Công thương) đã tiếp tục ký Biên bản ghi nhớ “Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô” giai đoạn 2022 – 2023.

Dự án này giúp kết nối và hỗ trợ các nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, nhằm tăng các nhà cung ứng nội địa và linh kiện sản xuất trong nước.

Đây là năm thứ ba Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, kể từ lần ký kết đầu tiên vào năm 2020. Đặc biệt, năm nay, Toyota Việt Nam triển khai hoạt động hỗ trợ tới 4 doanh nghiệp ngoài hệ thống Toyota, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ tạo ra sự lan tỏa và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thực hiện thành công nội địa hóa giúp cho ngành công nghiệp ô tô vươn lên làm chủ công nghệ, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước và tăng năng lực cạnh tranh. Từ đó, tạo điều kiện để giảm giá thành sản phẩm.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.