Hằng ngày chị Đinh Thị Thắm phải uống nhiều loại thuốc |
Sức khỏe giảm sút từng ngày
Suốt 3 năm qua, anh Dương Văn Chính (SN 1989, trú xóm 1, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đều phải đến bệnh viện thăm khám hằng tháng và lấy thuốc về uống để cầm cự với căn bệnh bụi phổi silic. Tháng nào chi phí ít, anh Chính mất hơn 1 triệu đồng, tháng nhiều anh phải mất từ 5-6 triệu đồng, có khi cả chục triệu đồng.
Anh Chính là một trong những công nhân làm việc đầu tiên tại Công ty TNHH Châu Tiến (Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và là một trong hàng loạt công nhân được xác định mắc bệnh bụi phổi silic. “Đợt này tôi ho cả ngày lẫn đêm, phải uống thuốc hằng ngày. Giờ tôi chỉ ở nhà làm mấy việc lặt vặt quanh quanh chứ không đi làm được gì nữa. Không những mang bệnh mà còn là gánh nặng cho cả vợ con, bố mẹ”, anh Chính buồn rầu nói.
Anh Chính nhớ lại, tháng 4/2017, anh được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Châu Tiến sau hơn một năm doanh nghiệp này mở xưởng xay bột đá ở Khu công nghiệp Nam Cấm. Thời gian đầu, anh Chính làm ở bộ phận lái xe nâng. Sau đó, anh Chính được bổ nhiệm làm tổ phó rồi tổ trưởng bộ phận tách hạt.
Đây cũng là một trong những bộ phận phải tiếp xúc nhiều bụi nhất trong các dây chuyền của công ty. Quá trình làm việc tại công ty, anh Chính cũng như nhiều công nhân khác chỉ được cấp hai bộ đồ một năm cùng với một chiếc mũ bảo hộ. Thỉnh thoảng một năm hoặc vài năm, công nhân mới được cấp giày. Riêng khẩu trang chuyên dụng công ty không trang bị mà công nhân phải tự mua khẩu trang vải thông thường đeo để làm việc.
Theo anh Chính, công việc của công nhân là xay bột đá để bán. Đá có nhiều loại và nhiều màu khác nhau nhưng được ngâm để tẩy trắng. Quá trình làm việc, dù bụi rất nhiều nhưng công nhân không nghĩ loại bụi này có thể ăn mòn phổi mạnh đến như vậy. Chỉ đến khi thấy sức khỏe yếu, anh Chính đi khám mới biết mình đã mang trong mình căn bệnh nguy hiểm.
Khoảng thời gian điều trị bệnh, anh Chính đã được các bác sỹ chuyên ngành rửa phổi. Tuy nhiên, những hạt bụi mịn đã bám sâu vào phổi tạo thành mảng sẹo lớn nên dù rửa nhiều lần, phổi anh cũng không thể sạch được.
“Tháng 10/2022, tôi nghỉ ở công ty. Đợt đó đang đi làm bình thường thì thấy người mệt mỏi nên xin nghỉ để đi khám. Bác sỹ bảo bị bệnh bụi phổi silic phải chuyển ra Hà Nội khám và điều trị. Tôi điều trị hơn 1 tháng rồi về nhưng không đi làm được nữa vì không đủ sức khỏe”, anh Chính nhớ lại.
Anh Dương Văn Chính cùng vợ đang từng ngày chờ giám định bệnh nghề nghiệp |
Chị Đặng Thị Thắm (44 tuổi, trú xóm Trung Sơn, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng có 3 năm làm việc tại Công ty Châu Tiến. Tháng 3/2018, chị Thắm xin vào công ty này làm việc ở dây chuyền đóng bột vào bao. Đây là khu vực phát sinh bụi nhiều nhất của dây chuyền. Quá trình làm việc, vì không được công ty trang bị mặt nạ, khẩu trang chuyên dụng nên chị Thắm phải mua khẩu trang vải trùm kín mặt. Tuy vậy mỗi lúc hết giờ làm, mặt, mũi chị cũng bị bụi len vào trắng xóa.
Sau 3 năm làm việc, đến tháng 2/2021, chị Thắm thấy sức khỏe yếu, hay ốm và thường xuyên ho nên đến viện thăm khám. Kết quả cho thấy chị Thắm bị bệnh viêm phổi. Cũng thời gian đó, chị Thắm xin nghỉ công ty ở nhà. Cuối năm 2023, sau khi cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt công nhân làm việc tại Công ty Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi nguy hiểm, chị Thắm cũng được liệt kê vào danh sách để thăm khám bệnh nghề nghiệp.
“Đợt cuối năm 2023, tôi cùng công nhân cũ vào Bệnh viện Phổi để khám. Qua kết quả, một người bên y tế nói tôi bị mắc bệnh bụi phổi ở thể trung bình. Mấy năm qua thấy người mệt mỏi, mắc hết bệnh này đến bệnh khác, ho thì cả ngày lẫn đêm. Làm việc nhẹ thôi chứ nặng tý là không thở được. Giờ mới biết mình mắc bệnh phổi”, chị Thắm nói. Ba năm qua, chị Thắm thường xuyên phải đi viện thăm khám và lấy thuốc về uống.
Công ty TNHH Châu Tiến được cấp phép sản xuất bột đá với quy mô 40.000 tấn/năm và bột bả tường 30.000 tấn/năm. Sau đó, công ty mở rộng đầu tư thêm dòng sản phẩm chế biến bột đá vôi trắng siêu mịn với quy mô 180.000 tấn/năm và chế biến bột đá thạch anh - quartz với quy mô 150.000 tấn/năm. Tháng 5/2023, UBND tỉnh Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại công ty này, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Mòn mỏi chờ hỗ trợ
Tháng 2/2023, cơ quan chức năng đã phát hiện 14 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi và các bệnh liên quan. Tháng 11 - 12/2023, Đoàn điều tra Bệnh nghề nghiệp của Sở Y tế Nghệ An thăm khám cho công nhân đã và đang làm việc tại Công ty Châu Tiến. Qua thăm khám, phát hiện thêm hơn 71 công nhân mắc bệnh bụi phổi silic ở nhiều thể nặng nhẹ khác nhau.
Sau khi việc thăm khám kết thúc, đoàn đã gửi toàn bộ hồ sơ ra Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) để hội chẩn và kết luận về bệnh nghề nghiệp. Từ đó có đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, làm chế độ cho những công nhân mắc bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các công nhân mắc bệnh vẫn chưa được giám định bệnh nghề nghiệp và chưa được nhận các chế độ hỗ trợ. Trong khi đó, sức khỏe của công nhân đang từng ngày yếu thêm.
Anh Chính cho hay, thời điểm phát hiện mắc bệnh bụi phổi silic, anh và tám công nhân khác đã làm các hồ sơ theo hướng dẫn để được giám định và hỗ trợ các chế độ bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên suốt hai năm qua, hồ sơ của anh vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, sáu trong chín người cùng làm hồ sơ với anh đã qua đời. “Giờ còn có ba người nữa, không biết rồi chờ đến khi nào, hay chết đi rồi mới có chế độ thì còn ý nghĩa gì nữa”, anh Chính nói. Anh cho hay, một số người mắc bệnh hiện đang yếu dần, phải thở ôxy, khả năng khó qua khỏi. Gần đây, anh thấy sức khỏe mình yếu đi rõ rệt.
Tháng 8/2023, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản giao các cơ quan liên quan điều tra xác định bệnh nghề nghiệp đối với những người đã và đang làm việc bị bệnh bụi phổi silic. Tổ chức giám định mức suy giảm khả năng lao động ngay sau khi có kết quả xác định bệnh nghề nghiệp cho những người này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, những công nhân mắc bệnh vẫn chưa được xác định là mắc bệnh nghề nghiệp để được hưởng các chế độ. Ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết, tất cả các hồ sơ của những công nhân từng làm việc tại Công ty Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic đều đã được chuyển cho Trung tâm Giám định Y khoa để giám định mức độ mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện việc giám định chưa được thực hiện.