Nên thôi cháu ạ, cháu cứ xem cô ấy như em út trong nhà, từ từ tâm sự, phân tích phải, trái thế nào cô ấy cũng nghe ra thôi. Cháu nên nói cho cô ấy hiểu là một quốc gia, hay một gia đình thì việc tích cóp là quan trọng, nghĩa là phải tích trữ lương thực để đề phòng lúc cơ nhỡ, cơ hàn. Cô ấy nay đã là vợ, là mẹ trong tổ ấm của chính mình thì phải biết lo toan, vun vén, mua sắm vật dụng cũng như thực phẩm cần thiết cho gia đình, không nên ỷ lại vào hàng xóm như thế.
Đồng thời cháu cũng nên trao đổi thẳng với cô ấy việc sử dụng sao cho hợp lý diện tích hàng lang công cộng, việc giữ vệ sinh chung cho chung cư cũng như môi trường sống lành mạnh cho hai gia đình ở chung tầng. Nếu cứ để bẩn, làm bừa ra như vậy trước hết là ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình cô ấy, cháu bé nhỏ nhất trong gia đình cô ấy, sau nữa là làm phiền cho mọi người cả hai nhà. Cái gì cũng có giới hạn thôi cháu ạ, sức chịu đựng của con người cũng vậy, nên cháu cũng không việc gì nín nhịn quá khiến cô ấy thấy cháu dễ dãi lại lấn lướt. Chuyện gì giúp được thì cháu giúp, còn chuyện gì thuộc về trách nhiệm của cô ấy, cô ấy phải làm chứ không thể cứ một người bày bừa, một người lo dọn dẹp như thế được.
Cháu nín nhịn sẽ không giúp cô ấy tốt lên, mà ngược lại đấy cháu nhé. Bác thông cảm với nỗi bức xúc của cháu khi không may ở gần một người hàng xóm thực dụng như vậy. Nhưng nếu khéo léo cháu vẫn có thể cải tạo được tính cách của cô ấy để mối quan hệ hàng xóm khi tối lửa tắt đèn còn có nhau cháu ạ.