Những ngọn đèn trước gió - Kỳ 8

Bùa hộ mệnh

Bùa hộ mệnh
TP- Đối với những bệnh nhân như chúng tôi, thẻ bảo hiểm y tế chính là “bùa hộ mệnh”, có thể tiếp tục điều trị được cũng là nhờ có nó.

>> Kỳ 7: Đối mặt sự thật

Một ông cụ nằm ở khoa C7 Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương nói một câu, tôi không nhớ lắm nhưng đại ý: Khi nào ông chết, xin hãy đặt tấm thẻ bảo hiểm y tế lên bàn thờ ông.

Thẻ cứu vớt bệnh nhân nghèo

Vậy là lại sắp sang một năm mới, một nỗi lo nữa lại đến với những bệnh nhân ở đây. Sang năm mới cũng đồng nghĩa với việc thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo sẽ hết giá trị.

Tôi chứng kiến một bệnh nhân chỉ vì không có thẻ bảo hiểm y tế mà hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên đành phải về nhà. Đến khi bệnh nhân ấy có thẻ bảo hiểm y tế thì bệnh trầm trọng và không thể cứu chữa.

Tôi đang dùng thẻ bảo hiểm y tế sinh viên. Sang năm mới, tôi sẽ được chuyển sang dùng thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo. Như vậy, tôi sẽ được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ tiền thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm.

Càng gần bước sang năm mới, càng có nhiều bệnh nhân bất đắc dĩ phải ra viện, vì tài chính của họ không đủ chi trả viện phí trong vòng ít ngày, khi không có bảo hiểm y tế. Trong số đó có Huỳnh.

Trước khi về, Huỳnh đến gặp tôi, nói chuyện và hẹn tôi sau Tết Nguyên Đán gặp lại. Chi phí cho sáu đợt điều trị bằng hóa chất, khiến gia đình bạn ấy gần như kiệt quệ.

Bệnh viện không còn chật chội, đông đúc như trước nữa. Có giường không có bệnh nhân nào nằm, chuyện hiếm gặp tại bệnh viện này.

Phòng tôi chỉ còn tôi và Thắng. Chúng tôi đã truyền xong hóa chất và đang chờ các chỉ số trong máu lên để còn ra viện.

Thật buồn cười là cả tôi và Thắng đều không muốn ra viện vì thời gian đến Tết Nguyên Đán chỉ còn hơn một tháng. Nếu ra viện vào lúc này, rất có thể tôi sẽ phải lên viện trước Tết để truyền hóa chất đợt ba và khả năng phải đón Tết trong bệnh viện rất cao.

Tôi vẫn chưa hết đau dạ dày. Tôi mong vì chuyện này bác sĩ sẽ cho tôi ở lại điều trị thêm một thời gian nữa.

Hôm sau, khi tôi đang truyền thuốc, trong phòng chỉ còn lại hai người là tôi và Thắng, cả mẹ tôi và mẹ Thắng đã đi chợ, bỗng Thắng run bần bật, mỗi lúc một dữ dội. Cậu ta vơ vội lấy cái chăn để đắp.

Tôi chưa biết phải làm gì thì bố Oanh (quê Tam Cốc - Bích Động, Oanh đang học trung học thì phát hiện bị ung thư máu, phải nhập viện) và các bác đi chăm bệnh nhân chạy vào phòng tôi, người thì đi tìm bác sĩ, người lấy quạt sưởi để sưởi ấm cho Thắng.

Thắng sốt cao đến nỗi mọi người phải dùng một chiếc đũa ghè vào miệng vì sợ cậu ấy cắn phải lưỡi. Lát sau, bác sĩ và y tá đến lấy máu của Thắng để làm xét nghiệm và tiêm cho cậu ta một mũi thuốc hạ sốt, mười năm phút sau, Thắng cắt được cơn sốt.

Bệnh nhân mới

Bùa hộ mệnh ảnh 1Tôi lại bị rụng tóc. Những sợi tóc còn sót lại sau đợt điều trị thứ nhất thì giờ cũng rụng nốt. Không chỉ có tóc mà cả lông mi, lông mày, ria mép, tất cả đều rụng theo. Đã thế, tôi còn bị thuốc Dexa làm cho tích nước trong người khiến mặt phù to. Nhìn vào gương, khuôn mặt của tôi khác rất nhiều so với cách đây mấy thángBùa hộ mệnh ảnh 2

Phòng tôi vừa có thêm một bệnh nhân mới. Họ tên đầy đủ là Phùng Tắc Tỵ, cái tên rất lạ do bố cậu ta đặt cho.

Tỵ bằng tuổi tôi và Thắng nhưng nhỏ con hơn chúng tôi nhiều. Cậu ta chỉ nặng khoảng hơn ba mươi cân. Nhưng Tỵ có khả năng đi bộ rất nhanh. Cậu ta mặc cái áo bệnh nhân rộng thùng thình. Khi đi lại, cánh tay áo của cậu ta cứ vung lên, vung xuống, trông không khác gì nhân vật Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký.

Những lúc không phải truyền thuốc, Tỵ lại cuộn mình trong chiếc chăn bông ấm, trùm kín người. Nhiều người không biết, cứ tưởng không có ai nằm trong đó.

Tỵ rất ngại tiếp xúc với người khác. Hồi mới chuyển sang nằm ở phòng tôi, Tỵ hay liếc nhìn trộm những người trong phòng. Tôi có cảm giác như cậu ta sợ tất cả. Quê Tỵ ở Ba Vì, Hà Tây, nghe nói, đó là vùng quê thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp và từ chăn nuôi bò sữa.

Tỵ truyền hóa chất đợt này là đầu tiên nhưng không có bảo hiểm y tế.

Lại thêm một bệnh nhân mới khác. Anh tên Vịnh, người Hưng Yên. Anh Vịnh bằng tuổi anh hai tôi, hai anh em nằm cùng giường.

Anh kể, chuẩn bị sang nước ngoài làm việc thì bị bệnh. Bệnh của anh ở dòng hạch, anh được chuyển từ bệnh viện Bạch Mai sang đây và chưa thể truyền hóa chất được vì sức khỏe của anh đang rất yếu.

Anh Vịnh có vẻ rất bi quan và tuyệt vọng, cả ngày chẳng thèm nói câu gì. Đó có lẽ là tâm trạng chung của hầu hết những bệnh nhân khi mới biết sự thật về căn bệnh mình đang mắc phải.

Kỳ sau: Chuyện tình cảm động của anh Nam

MỚI - NÓNG