Bphone ra mắt đình đám: Đường dài trước mắt

Nhiều người dùng di động tò mò trước sản phẩm mang thương hiệu Việt Bphone.
Nhiều người dùng di động tò mò trước sản phẩm mang thương hiệu Việt Bphone.
TP - Một lễ ra mắt chiếc điện thoại “thuần Việt” không thể hoành tráng hơn với 2.000 người tham dự tạm khép lại với những thành công ban đầu về mặt làm thương hiệu và PR sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều người khẳng định, Bphone còn cả chặng đường dài trước mắt để chinh phục người dùng.  

Điện thoại “đẹp nhất nhì thế giới”?

Những từ hoa mĩ nhất được các lãnh đạo BKAV không tiếc lời nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt thời gian buổi ra mắt. Như lời CEO Nguyễn Tử Quảng, những công nghệ hàng đầu thế giới được tích hợp trong chiếc chiếc điện thoại đẹp nhất nhì trên thế giới với cấu hình siêu mạnh. Theo giới thiệu, Bphone là chiếc điện thoại được thiết kế theo kiểu dáng phẳng đầu tiên trên thế giới và được bảo hộ kiểu dáng thiết kế độc quyền trên thế giới. 800 linh kiện, do 82 nhà cung cấp hàng đầu thế giới đang là đối tác của Sony, Apple, Samsung cung cấp, đã được đưa vào bên trong “siêu phẩm” điện thoại được thiết kế mạnh về đồ họa.

Nhìn tổng thể, Bphone là chiếc điện thoại thương hiệu Việt có cấu hình tương đối mạnh với những công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều dòng smartphone cao cấp được các hãng điện thoại tung ra thị trường trong thời gian gần đây. Bphone có màn hình 5” FulHD, SnapDragon 801AC 2.5GHz, 3GB RAM, camera sau 13MP, trước 5MP, pin dung lượng 3000mAh và đặc biệt là sử dụng hệ điều hành BOS của hãng được tùy biến lại từ Android 5.0.

Bphone cũng được giới thiệu là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới trang bị công nghệ giao tiếp không dây tầm ngắn TransferJet, cho phép truyền dữ liệu siêu nhanh, lên tới 200 Mb/s, nhanh hơn 472 lần so với NFC và 8 lần so với Bluetooth 4.0. Đại diện Bkav cũng cho biết, Bkav còn là smartphone đầu tiên trên thế giới tích hợp hai chức năng gọi điện truyền thống và gọi điện Internet.

Theo lãnh đạo BKAV, điểm đặc biệt,  đây là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới tích hợp tường lửa giúp để chặn các quảng cáo bên trong ứng dụng. Điện thoại cũng sẽ có một trợ lý ảo cho phép nhắc nhở các công việc quan trọng, các thông tin liên quan tới cá nhân, email, website hay và hỗ trợ live connect để liên hệ với đội ngũ hỗ trợ của BKAV chỉ bằng một cú bấm.

“Cảm nhận ban đầu, Bphone trên thực tế trông đẹp mắt, tạo cảm giác cao cấp nhờ khung nhôm và hai mặt kính. Cảm ứng mượt, tốc độ nhanh nhưng cầm không đã tay nếu người dùng là nam giới. Để test hết tính năng của máy cần phải có thời gian để khẳng định”, Mạnh Chung, người tham dự sự kiện của BKAV nhận xét.

Bài toán chinh phục người dùng

Với lượng khách mời tới 2.000 người, sự kiện ra mắt Bphone là sự kiện công nghệ thu hút nhất tại Việt Nam thông qua các chiến dịch PR khéo léo tạo hiệu ứng truyền thông. Tuy nhiên, với sản phẩm công nghệ mới ra đời này, còn nhiều điều cần phải bàn.

Tại lễ ra mắt, đích thân lãnh đạo BKAV cũng phải thừa nhận, dự án Bphone là dự án khá táo bạo với nhiều tham vọng được BKAV ấp ủ từ 4 năm qua.

Bkav sẽ làm được đến đâu với sản phẩm của mình cho đến thời điểm này vẫn là một dấu hỏi lớn. Không ít ý kiến cho rằng, những gì Bkav đã làm được là rất đáng trân trọng nhưng cuộc chơi chỉ mới ở bắt đầu, khó khăn chưa xuất hiện do sản phẩm đến đầu tháng 6 mới chính thức ra thị trường. Việc Bphone đưa ra thị trường nhằm đánh vào lòng tự tôn của người dùng trước một sản phẩm thuần Việt sẽ là phép thử lớn trước thói quen xài điện thoại theo phong trào, thích cập nhật các sản phẩm công nghệ mới nhất để chứng tỏ sự sành điệu của không ít người Việt trẻ.

Cùng đó, việc chỉ đưa ra 3 mẫu điện thoại ban đầu sẽ đặt BKAV trong thế kẹt về mặt giới thiệu sản phẩm đa dạng với người dùng. Đây là điều đáng lưu ý khi nhiều dòng điện thoại mang thương hiệu Việt trước đó, từng được các đại gia như Viettel, FPT, VNPT rồi đến các nhà sản xuất như Mobistar, Qmobile, HKPhone sau một thời gian ầm ĩ, rầm rộ ra mắt, đã âm thầm bị khai tử. Điểm táo bạo khác trong khi các thương hiệu Việt đều chỉ dám “dấn thân” vào phân khúc tầm trung, giá rẻ, Bkav chọn tấn công thị trường ở phân khúc tương đối cao cấp.

Khó khăn lớn khác của Bkav và Bphone đó là niềm tin từ người tiêu dùng. Người Việt vốn đã quá ưu ái với những thương hiệu ngoại, và việc bỏ ra một khoản tiền lớn cho một sản phẩm Việt sẽ là thách thức không nhỏ. Cùng đó, bài toán kinh doanh dựa trên tiết giảm chi phí phân phối được BKAV lựa chọn bằng cách không phân phối Bphone thông qua các đại lý bán lẻ mà sẽ bán online trên website của công ty, theo đánh giá của nhiều người am hiểu công nghệ, sẽ hạn chế khả năng tiếp cận khách hàng cũng như giới thiệu sản phẩm.

“Sản phẩm đã ra mắt, kênh bán hàng online đã được lựa chọn, giờ Bkav phải tạo ra được cơ hội để người dùng trải nghiệm, chứ mới chỉ nghe nói thôi thì cũng không nhiều người bỏ ra 10 triệu để mua sản phẩm online đâu. Bkav còn phải làm nhiều nữa”, Nguyễn Hương, thành viên câu lạc bộ ICT chia sẻ. 

Bphone ra mắt đình đám: Đường dài trước mắt ảnh 1Việc chỉ đưa ra 3 mẫu điện thoại ban đầu sẽ đặt BKAV trong thế kẹt về mặt giới thiệu sản phẩm đa dạng với người dùng. Đây là điều đáng lưu ý khi nhiều dòng điện thoại mang thương hiệu Việt trước đó, từng được các đại gia như Viettel, FPT, VNPT rồi đến các nhà sản xuất như Mobistar, Qmobile, HKPhone sau một thời gian ầm ĩ, rầm rộ ra mắt, đã âm thầm bị khai tử.
MỚI - NÓNG
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
TPO - Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng 8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam (CTVN) vừa cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thống nhất vị trí, diện tích cụ thể để xây dựng và xong cơ bản các trạm này, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.