Ở cấp chính quyền, tỉnh Đồng Nai đã ráo riết chuẩn bị những bước cuối cùng cho việc tái định cư 4.141 hộ dân được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án (nếu được thông qua). Cuối tháng 10, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chủ trì cuộc họp về việc quy hoạch xây dựng khu tái định cư và nghĩa trang, phục vụ dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các “cò” đất được dịp ì xèo tung hứng giá kiếm chác. Giới đầu tư từ các nơi cũng đổ về nghe ngóng tình hình, hy vọng có cơ hội “kiếm chút cháo bào ngư”.
Trong khi đó, cách Long Thành không xa là khu vực theo kế hoạch lẽ ra đã là một khu đô thị sầm uất thì nay bỏ hoang, vắng như chùa bà Đanh. Đó là “thành phố mới” Nhơn Trạch với những con đường hun hút, bạt ngàn rừng sắn, rừng tràm. Nhiều chủ đầu tư bỏ chạy, để lại những kế hoạch hoành tráng ngày nào, nhiều người trót bỏ vốn đầu tư, hoặc bán đổ bán tháo, hoặc chấp nhận chôn vốn chờ thời.
Nhưng trong hàng thập kỷ qua, cho dù đã có rất nhiều ví dụ về dự án bánh vẽ, dự án treo, nghịch cảnh tiến thoái lưỡng nan, những dự án mới vẫn dễ dàng mọc ra. Thực tế cho thấy kể cả trong những dự án treo, phải thu hồi, vẫn có những đối tượng hưởng lợi. Đây là nhóm biết/chủ động làm giá đất đai dựa vào thông tin “nội bộ”, thổi bong bóng xà phòng bất động sản lớn lên rồi chuyền qua người khác, kiếm lời bạc tỷ. Những người hám lợi nhưng không may rơi vào giai đoạn cuối của bong bóng sẽ nhận mọi hậu quả.
Một nhóm nhỏ được hưởng lợi nhưng cả xã hội phải gánh chịu qua những cơn sốt đất ảo, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng, tạo đà cho những đợt lạm phát, rồi sau đó là đồng vốn nằm chết dí trong những ngôi nhà hoang. Cho dù bong bóng bất động sản đã vỡ, nhưng di chứng mà nó để lại là rất to lớn, lâu dài. Và nếu những dự án bánh vẽ tiếp tục có cơ hội xuất hiện thì cảnh hoang phế dự án ở nhiều tỉnh, thành phố sẽ còn tiếp diễn.