Bốn tổ công tác hỗ trợ Tây Nguyên điều trị bệnh bạch hầu

Quyền Bộ trưởng thăm bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Quyền Bộ trưởng thăm bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
TP - Trước tình hình dịch bạch hầu có nguy cơ lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế vừa thành lập 4 Tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Thành phần tham gia 4 tổ công tác gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư; Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh xây dựng quy trình khám, sàng lọc, phân loại, tiếp nhận, điều trị, cách ly ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh bạch hầu dương tính tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh. Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các khoa điều trị ca bệnh bạch hầu. Phối hợp với các đoàn công tác khác của các đơn vị khác triển khai tập huấn, tập huấn lại phác đồ điều trị bệnh Bạch hầu cho các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tỉnh. Tham mưu, đề xuất giúp Sở Y tế các tỉnh bổ sung, điều chuyển nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư phục vụ công tác điều trị bệnh Bạch hầu nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Định kỳ hằng ngày (trước 17h00) hoặc đột xuất báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) về tình hình, diễn biến điều trị các ca bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.

Trong chuyến thăm những bệnh nhân bạch hầu đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch như: cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ. Một trong biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất đó là tiêm vắc - xin bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện và mang tính bền vững.

Báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư về tình hình sử dụng vắc - xin phối hợp DPT-VGB-Hib do SII (Ấn Độ) sản xuất và báo cáo kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vắc - xin trong tiêm chủng mở rộng thấp chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, trong đó tỷ lệ vắc - xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi (34,6%), tỷ lệ tiêm vắc - xin DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi (28,4 %). Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vắc - xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ thấp. Do vậy, để khống chế dịch bệnh bạch hầu, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, việc triển khai chiến dịch tiêm các vắc - xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là cần thiết. Đây là bước đi quan trọng để chủ động phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh bạch hầu tại đây.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giao Sở Y tế 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình dịch bệnh và tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc - xin có chứa thành phần bạch hầu trên phạm vi toàn tỉnh từ tháng 7/2020 trong đó lưu ý xác định, khoanh vùng những vùng nguy cơ cao, để lên kế hoạch triển khai theo các bước ưu tiên phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng vừa ký ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Theo hướng dẫn, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc - xin đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc - xin.

Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn. Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, dùng vắc - xin bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi. Với người tiếp xúc cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.