Tỷ lệ thất thoát tới 22%
Đại diện Phòng Hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, theo yêu cầu mỗi năm tỷ lệ thất thoát nước sạch sinh hoạt phải giảm nhưng hiện tỷ lệ này của Hà Nội vẫn ở mức cao. Cụ thể, hiện tỷ lệ thất thoát nước sạch của Hà Nội trung bình là 22%. Trong đó, tỷ lệ thất thoát của 4 doanh nghiệp, đơn vị cung cấp nước sạch sinh hoạt chính trên địa lại khác nhau. Chẳng hạn, hiện tỷ lệ thất thoát của Cty Nước sạch Hà Nội là 24%; Cty Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch là 25%; Cty Nước sạch Hà Đông là 22%; Cty Nước sạch Sơn Tây là 20%.
Theo Phòng Hạ tầng cấp thoát nước, tại Quyết định số 2147 ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia chống thất thoát, thất thu (TTTT) nước sạch đến năm 2025, mục tiêu giảm tỷ lệ nước TTTT bình quân từ 30% năm 2009 xuống dưới 15% năm 2025.
“Nếu chiếu theo quyết định trên đến năm 2015 tỷ lệ TTTT nước sạch bình quân 25% thì Hà Nội vẫn thấp hơn so quy định và so với TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều. Nhưng giai đoạn từ 2016 đến 2020 thì tỷ lệ này phải bình quân là 18%. Hiện tỷ lệ TTTT cấu thành vào giá kinh doanh của các đơn vị kinh doanh nước sạch. Đơn giản nếu tỷ lệ thất thoát cao thì họ phải chịu, còn thất thoát thấp thì họ được hưởng”, vị cán bộ phân tích.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)-đơn vị đang cung cấp khoảng 200.000m3/ngày, đêm cho hơn 120.000 khách hàng tại các quận như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy, Hoàng Mai…, Tuy nhiên, do nguồn nước chủ yếu là nước mặt sông Đà nên khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao sẽ khó đáp ứng được, trong khi tỷ lệ thất thoát vẫn cao.
“Chúng tôi phải áp dụng các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ thất thoát, trong đó có việc đầu tư mạnh việc cải tạo hệ thống đường ống phân phối”, ông Việt nói. Vị này cho biết, đơn vị chỉ làm nhiệm vụ phân phối nước sạch nếu tỷ lệ TTTT cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bài toán kinh doanh. “Chúng tôi được đơn vị sản xuất nước tính theo đồng hồ đầu vào, nếu tỷ lệ thất thoát cao thì mình chịu, trong khi giá nước sinh hoạt do thành phố quy định nên không thể nói người dân phải gánh chịu vì thất thoát tỷ lệ cao”, vị này phân tích.
Lãng phí tiền tỷ
Trước dự báo những khó khăn về nguồn cấp nước sạch hiện nay của Hà Nội, khi mà các dự án, các nhà máy nước mặt mới đang trong giai đoạn triển khai thì việc là giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch là điều rất cần thiết. Bởi với tỷ lệ thất thoát lên đến 22% thì quá lãng phí, gây thất thoát hàng tỷ đồng. Theo các đơn vị kinh doanh nước sạch, có một số nguyên nhân gây lãng phí và TTTT nước sạch như: tình trạng đấu đường ống trái phép vào ống phân phối nước sạch để ăn cắp nước; các đơn vị thi công công trình ngầm làm vỡ đường ống nước...
“Thất thoát chủ yếu nằm ở đường ống dịch vụ bao gồm cả việc người dân dùng nhưng không thu được tiền hoặc đấu nối trộm để ăn cắp nước. Tình trạng này chủ yếu tại các khu vực có mạng đường ống cũ. Việc tỷ lệ thất thoát cao ngoài gây lãng phí còn ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cấp trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế. Bởi chỉ cần giảm được 5% lượng nước thất thoát là bằng công suất một nhà máy sản xuất nước để cung cấp cho dân”, vị cán bộ của đơn vị kinh doanh nước sạch cho biết.
Theo tìm hiểu, chỉ riêng Cty Nước sạch Hà Nội đang quản lý, vận hành tổng số chiều dài mạng lưới phân phối là 6.664 km, chiếm tỷ lệ cao nhất của các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch của Hà Nội. Năm 2015, sản lượng nước của công ty này đạt 221 triệu m3 với doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất thoát vẫn là con số rất cao và nếu quy đổi ra tiền thì rất lớn. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ này là 27,3%, năm 2016 doanh nghiệp này phấn đấu tỷ lệ TTTT giảm còn 20,08%.
Theo các chuyên gia về nước sạch, giá nước sạch hiện nay của Hà Nội là chấp nhận được nhưng nếu các công ty cấp nước, kinh doanh nước sạch quản lý tốt hơn, không để thất thoát lớn thì có thể không cần tăng giá nước sạch và đặc biệt sẽ làm ổn định hơn nguồn cung.
Nhằm giảm thiểu thất thoát nước trong sinh hoạt trên địa bàn, Hà Nội đang triển khai dự án xây dựng năng lực và đào tạo công nghệ giảm TTTT nước sạch trong 3 năm (2016-2018). Dự án nhằm xây dựng năng lực quản lý TTTT, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến giảm rò rỉ trên hệ thống cấp nước góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo dịch vụ cấp nước đến khách hàng…