Bộ Y tế ra công văn 'làm khó' người bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Y tế bất ngờ ra thông báo ngừng chi trả bảo hiểm y tế đối với các thiết bị máy mượn, máy đặt phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Thông báo đột ngột này đang đẩy các bệnh viện vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và hậu quả được dự báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh.

Từ ngày 12/4/2018 công văn (số 2009/BYT-KHTC) về việc tiếp tục thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt đã được thực hiện trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Việc thanh toán BHYT là giải pháp để bảo đảm quyền lợi của người bệnh khi tham gia bảo hiểm.

Bộ Y tế ra công văn 'làm khó' người bệnh? ảnh 1

Nhiều máy móc thiết bị phục vụ chuyên môn tại các bệnh viện đang phải đi mượn từ bên ngoài

Tuy nhiên, ngày 9/5/2022, Bộ Y tế bất ngờ ra công văn (số 2348/BYT-KH-TC) bãi bỏ công văn (số 2009/BYT-KHTC). Căn cứ theo công văn trên, phía Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã có công văn gửi đến các cơ sở y tế về việc dừng thanh toán BHYT đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất.

Ngày 13/5, Sở Y tế TPHCM đã nhận được thông tin từ các đơn vị phản hồi về việc gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các văn bản trên. Sở Y tế và BHXH thành phố đã họp để trao đổi về các vấn đề có liên quan và thống nhất trình UBND TPHCM phương án tháo gỡ khó khăn.

Cùng ngày, UBND TPHCM đã có dự thảo báo cáo các khó khăn vướng mắc nếu dừng thanh toán BHYT theo công văn mới ban hành. Theo đó, đa số các máy xét nghiệm (miễn dịch, vi sinh, huyết học) là máy thế hệ mới, máy đóng (là máy chỉ sử dụng được hóa chất của hãng mà không thể sử dụng hóa chất của các hãng khác hoặc nếu sử dụng hóa chất của hãng khác sẽ cho kết quả không đầy đủ các thông số cần thiết hoặc kết quả không chính xác).

Việc tổ chức đấu thầu máy móc trang thiết bị xét nghiệm thì không phù hợp với thực tế. Trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cũng như nguồn thu sự nghiệp của các bệnh viện còn hạn chế; việc đầu tư máy xét nghiệm có thể không hiệu quả (chi phí đầu tư ban đầu lớn, chi phí sửa chữa phát sinh, máy nhanh chóng lỗi thời, hóa chất theo máy không trúng thầu) nên đa số các máy xét nghiệm ở các bệnh viện đang được thực hiện dưới hình thức: công ty trúng thầu gói hóa chất xét nghiệm có trách nhiệm cung cấp thiết bị để bệnh viện chạy hóa chất xét nghiệm.

Bộ Y tế ra công văn 'làm khó' người bệnh? ảnh 2

Dừng thanh toán BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 412 cơ sở khám chữa bệnh, bình quân chi phí xét nghiệm mỗi ngày cho bệnh nhân BHYT là trên 4 tỷ đồng. Việc dừng thanh toán chi phí xét nghiệm đối với các máy đặt, máy mượn sẽ dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh tạm ngừng thực hiện dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn. Điều này đồng nghĩa người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Nếu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm và người bệnh phải tự thanh toán sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có BHYT, làm chậm lộ trình BHYT toàn dân.

Từ thực tế trên (theo dự thảo) UBND TPHCM sẽ kiến nghị các bộ ngành liên quan chấp thuận tiếp tục thanh toán chi phí xét nghiệm BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm thực hiện từ máy đặt, máy mượn cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền. Nếu như phải dừng thanh toán cần có lộ trình để các cơ sở khám chữa bệnh đủ thời gian chuẩn bị.

Trước đó ngày 11/5/2022, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã có công văn gửi đến Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xin tiếp tục được thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật sử dụng trên máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất hoặc có lộ trình cho phép chuyển đổi dần trong thời gian tìm giải pháp khác thay thế.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.